Ngày 22-2, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp về việc thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (TTCP) liên quan đến kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Đà Nẵng, Bộ Công an căn cứ theo nội dung kết luận thanh tra, theo chức năng nhiệm vụ thực hiện các nội dung kiến nghị của TTCP. Kết quả thực hiện kết luận thanh tra phải gửi về TTCP để tổng hợp báo cáo Thủ tướng trong tháng 4-2019.
Số tiền thất thoát quá lớn
Kết luận của TTCP thể hiện từ năm 2010-2016, TP Đà Nẵng đã cho phép chuyển đổi đối với 52 cơ sở nhà, đất thuộc TP quản lý sang mục đích khác. Trong đó, bán lại cho bên đang thuê 31 cơ sở, bán đấu giá 8 cơ sở, bán trực tiếp không thông qua đấu giá 8 cơ sở; cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi 5 cơ sở. Thế nhưng, kiểm tra 31 cơ sở nhà, đất mà lãnh đạo TP Đà Nẵng giai đoạn 2010-2016 bán lại cho bên thuê, phát hiện 4 cơ sở mà theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), song UBND TP Đà Nẵng lại ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê. Việc làm của UBND TP Đà Nẵng khi không đấu giá các cơ sở nhà, đất trên là vi phạm Luật Đất đai năm 2003 cũng như Nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Tiếp theo, trong 8 cơ sở nhà, đất bán trực tiếp, khi kiểm tra có 4 cơ sở là khu tập thể xuống cấp, TTCP phát hiện có 2 cơ sở được UBND TP Đà Nẵng bán trực tiếp để sử dụng với mục đích thương mại dịch vụ không phù hợp với mục tiêu như ban đầu, đồng thời không thông qua đấu giá. Ngoài ra, có 2 cơ sở được bán cho đơn vị đang thuê, sau đó đơn vị này cũng bán lại cho đối tượng khác, như vậy là "lách luật".
Hai cơ sở nhà, đất công 37-39 Pasteur được bán với nhiều bất thường đã được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để xác minh làm rõ Ảnh: BÍCH VÂN
Đặc biệt, TTCP còn kết luận UBND TP Đà Nẵng đã không thực hiện theo các quy định tại Thông tư 145 của Bộ Tài chính về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất, mà giao cho các sở, ngành chức năng tham mưu xác định trên cơ sở bảng giá đất của thành phố ban hành hằng năm nhân với hệ số sinh lợi. Do đó, quá trình xác định giá chuyển QSDĐ tại một số cơ sở đã xảy ra nhiều sai phạm. Đơn cử, cơ sở nhà, đất ở vị trí 34 Bạch Đằng (diện tích hơn 1.421 m2), UBND TP Đà Nẵng xác định giá trị tiền sử dụng đất thấp hơn nhiều so với cơ sở nhà, đất có vị trí tương tự. Theo so sánh của TTCP, tại cơ sở nhà, đất số 5 Trần Phú, giá trị QSDĐ được phê duyệt là hơn 51,3 triệu đồng/m2, trong khi đó ở số 34 Bạch Đằng, vị trí đắc địa hơn nhưng chỉ xác định ở mức hơn 18,3 triệu đồng/m2, làm giảm số tiền sử dụng đất phải nộp gần 47 tỉ đồng. Ở các cơ sở nhà, đất khác trên đường Nguyễn Du, Lê Duẩn, 124 Bạch Đằng đều được xác định giá trị thấp hơn nhiều lần so với thực tế, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Bình luận về việc này, hầu hết người dân Đà Nẵng cho rằng chính quyền đã quá phung phí khi định giá nhà, đất công trên đường Bạch Đằng. Bằng chứng là kết quả kiểm tra việc xác định tiền sử dụng đất của 52 cơ sở nhà đất, TTCP phát hiện số tiền sai phạm lên tới hơn 156 tỉ đồng. Trong đó, UBND TP Đà Nẵng đã giảm 10% tiền sử dụng đất không đúng quy định đối với 31 cơ sở, gây thất thoát hơn 52 tỉ đồng. Do đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TP Đà Nẵng thu nộp về ngân sách số tiền hơn 139,9 tỉ đồng.
Lại là… Vũ "nhôm"
Trong kết luận của TTCP còn nêu đơn vị này đã chuyển hồ sơ, tài liệu 10 cơ sở nhà, đất công đã bán tại Đà Nẵng trong tổng số các cơ sở nhà, đất bị thanh tra sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra.
Đi sâu vào tìm hiểu 10 cơ sở nhà, đất này thì phát hiện hầu hết đều liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"). Trong đó đáng kể nhất là 2 cơ sở nhà, đất ở số 37 và 39 Pasteur. Đường đi của cơ sở nhà, đất này cũng khá "ly kỳ". Cơ sở 37 Pasteur với diện tích 968,24 m², đã được UBND TP Đà Nẵng cho Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng thuê đất vào tháng 8-2003. Đến ngày 8-10-2010, UBND TP Đà Nẵng cho phép chuyển QSDĐ cho Công ty Cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng với tổng giá trị 16 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau công ty này bất ngờ xin đổi tên người nhận QSDĐ là ông Phan Văn Anh Vũ và cam kết không khiếu nại, kiện tụng, thắc mắc gì và được UBND TP Đà Nẵng đồng ý. Đến ngày 10-5-2017, ông Phan Văn Anh Vũ và bà Nguyễn Thị Thu Hiền chuyển nhượng toàn bộ QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất tại 37 Pasteur cho ông Ngô Áng Hùng và bà Phan Thị Anh Đài (Hùng và Đài là anh rể và chị gái Vũ "nhôm").
Tương tự, tháng 6-2010, UBND TP Đà Nẵng có quyết định thu hồi toàn bộ khu nhà, đất tại số 39 Pasteur do Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng công trình đô thị Đà Nẵng đang thuê sử dụng để giao cho Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng. Ngày 20-12-2010, UBND TP đồng ý cho Công ty CP Đầu tư Nhất Gia Phúc thuê nhà, đất. Chưa được bao lâu, tháng 6-2011, UBND TP Đà Nẵng quyết định bán cho công ty này với giá 15 tỉ đồng. Nếu nộp đủ tiền trong thời hạn 30 ngày, được giảm 10% trên tổng số tiền sử dụng đất. Ngày 21-10-2011, ông Phan Văn Anh Vũ nhận chuyển nhượng toàn bộ QSDĐ tại 39 Pasteur. Đến ngày 23-5-2017, ông Ngô Áng Hùng nhận chuyển nhượng toàn bộ QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất tại 39 Pasteur từ ông Phan Văn Anh Vũ.
Ở cơ sở nhà đất số 100 Bạch Đằng, ban đầu được UBND TP Đà Nẵng đồng ý bán nhà và chuyển QSDĐ cho Công ty Cổ phần Du lịch Đà Nẵng. Sau đó, công ty này xin chuyển đổi tên người nhận QSDĐ sang cho ông Ngô Áng Hùng. Cuối cùng, ngày 28-12-2015, Vũ "nhôm" nhận chuyển nhượng toàn bộ QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất tại 100 Bạch Đằng. Kế đến, cơ sở nhà, đất tại 47 Nguyễn Thái Học dù được chính quyền bán cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát nhưng công ty này lại là công ty Vũ "nhôm" có đến 80% vốn điều lệ .
Những cơ sở nhà, đất còn lại có liên quan đến Vũ "nhôm" đã được TTCP chuyển hồ sơ tài liệu sang Bộ Công an là số 73 Nguyễn Thái Học, 16 Bạch Đằng, 318 Lê Duẩn, 57 Lê Duẩn và 121 Phan Châu Trinh.
Kết luận của TTCP cũng chỉ rõ trách nhiệm để dẫn đến những vi phạm nêu trên thuộc về UBND TP Đà Nẵng, Sở Xây dựng, Tài chính, TN-MT… TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các tổ chức, cá nhân có liên quan (thời kỳ 2010-2016).
Các dự án giao đất cũng dính sai phạm
Qua thanh tra việc chuyển đổi quỹ đất công đối với 12 dự án có vị trí ven biển, ven sông Hàn và trục giao thông chính của TP Đà Nẵng, cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm.
Cụ thể, có 4 dự án được giao đất theo hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, không tuân thủ trình tự thủ tục theo các quy định của pháp luật về quản lý đất đai gồm Khu Du lịch Bãi Trẹm, Khu Du lịch Bãi Bụt, khu dân cư kho thiết bị phụ tùng An Đồn và lô đất L09 thuộc dự án Khu Biệt thự Suối Đá. Ngoài ra, 2 dự án đầu tư có sử dụng đất và 5 lô đất được giao hoặc cho thuê không thông qua hình thức đấu giá. Điển hình là các dự án DHC-Marina bến du thuyền và câu lạc bộ thể thao dưới nước, dự án Bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng…
Cũng như 52 cơ sở nhà, đất công sản, tại 12 dự án này, UBND TP Đà Nẵng cũng quyết định thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá Hội đồng thẩm định giá trình. Cụ thể, tại Khu Du lịch Bãi Trẹm, Sở Tài chính tham mưu giá thu tiền sử dụng đất là 2 triệu đồng/m2, giá thuê đất là 3,57 triệu đồng/m2, trong khi đó UBND TP lại phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất là 1 triệu đồng/m2 và giá cho thuê là 2 triệu đồng/m2, làm giảm thu nhiều tỉ đồng. Đặc biệt, Khu Du lịch Bãi Bụt được giao đất năm 2004 nhưng UBND TP Đà Nẵng lại tính giá đất theo phương án năm 2001, làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp hơn 20,1 tỉ đồng.
Bình luận (0)