Đến cuối ngày 9-1, đại diện VKSND TP HCM đã công bố xong cáo trạng truy tố ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank), Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB - kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 44 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Nhiều người bị bệnh
Cũng trong ngày 9-1, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban Rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) đã nộp đơn xin vắng mặt cùng hồ sơ bệnh án bệnh ung thư gan đến HĐXX TAND TP HCM. Luật sư của ông Trần Bắc Hà cũng xác nhận đã làm thủ tục đại diện ông Hà tham gia tố tụng tại tòa và đang chờ TAND TP HCM cấp giấy chứng nhận tham gia phiên tòa.
Cũng như ông Hà, bà Hứa Thị Phấn (nguyên lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín - Trustbank) bị bệnh nặng đang nằm viện và được luật sư nộp hồ sơ bệnh án cũng như đơn vắng mặt. Nhiều nhân vật có liên quan khác cũng nộp đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Trước đó, vào chiều 8-1, VKSND TP HCM đề nghị HĐXX phải triệu tập bằng được các ông Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng (BIDV)… cùng nhiều cá nhân khác tại Sacombank, TPBank để vụ án được xét xử khách quan, công bằng. Thực hiện yêu cầu này, TAND TP HCM tiếp tục triệu tập những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Bị cáo Phạm Công Danh ra tòa
Trước sự vắng mặt của nhiều người liên quan, thay mặt HĐXX, thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, công bố: Nếu những người này có đơn vắng mặt kèm theo hồ sơ bệnh án thì tòa ghi nhận, sẽ xem xét nguyện vọng. Còn lại, tòa tiếp tục triệu tập những người khác không có mặt nhưng chưa rõ lý do.
Liên quan đến đại án này, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP HCM đã triệu tập đại diện 45 doanh nghiệp, ngân hàng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong số 127 người được triệu tập cả hai tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng thì có ông Trần Bắc Hà, bà Hứa Thị Phấn, ông Trần Lục Lang, ông Đoàn Ánh Sáng…
Tại phiên xử ngày 9-1, trong khi VKSND TP HCM công bố bản cáo trạng dài 134 trang thì đến lượt bị cáo Phạm Công Danh than mệt nên chủ tọa đã ngắt lời kiểm sát viên. Chủ tọa cho biết do ông Phạm Công Danh bị suy thận giai đoạn 3, không thể ngồi hoặc đứng lâu, cần phải trợ giúp y tế nên lực lượng hỗ trợ tư pháp đã dẫn ông Danh ra gặp nhân viên y tế.
Đến chiều cùng ngày, ông Danh và ông Trầm Bê tiếp tục… than mệt nên yêu cầu được ra phòng riêng. Chủ tọa phiên tòa đồng ý với điều kiện ông Bê và ông Danh được ngồi nghỉ ở khu vực có thể nghe VKS công bố cáo trạng.
Có thể xử vắng mặt
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Tòa Hình sự TAND TP HCM đã nghỉ hưu cho rằng trong hàng chục năm tham gia xét xử các vụ án hình sự về quản lý kinh tế và chức vụ, ông chưa bao giờ gặp trường hợp người được triệu tập với hai tư cách như trong vụ án xảy ra tại VNCB. "Thông thường, tòa chỉ triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc tư cách là người làm chứng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy trường hợp này" - vị này nói.
Luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) phân tích: Theo quy định tại điều 65, Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS) 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Điều luật chỉ quy định người có quyền và nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ có mặt tại phiên tòa mà không quy định các chế tài là nếu vắng mặt thì có thể bị dẫn giải, sự vắng mặt của họ càng không phải là lý do để hoãn phiên tòa. Do vậy, nếu chỉ với tư cách là người liên quan trong vụ án, ông Trần Bắc Hà có thể vắng mặt mà không ảnh hưởng đến việc xét xử của tòa án và không bị dẫn giải.
Tuy nhiên, cũng theo luật sư Thư, điều 66, Bộ Luật TTHS lại quy định người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Như vậy, nếu với tư cách là người làm chứng mà ông Trần Bắc Hà vắng mặt không rõ lý do thì có thể bị ra lệnh áp giải đến tòa. Riêng trường hợp ông Trần Bắc Hà vắng mặt vì lý do mắc trọng bệnh và được xác nhận bằng hồ sơ bệnh án như thông tin của tòa thì tòa án vẫn có thể xét xử vắng mặt.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi lên nắm quyền điều hành VNCB, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập doanh nghiệp để lập hồ sơ vay tiền từ 3 ngân hàng là Sacombank, TPBank và BIDV để trả nợ cũ cho Tập đoàn Thiên Thanh, tiêu xài cá nhân…, gây thất thoát cho VNCB 6.123,7 tỉ đồng.
Bình luận (0)