Ngày 31-10, tham gia thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm; trong một số trường hợp lãng phí còn lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, sự lãng phí hữu hình đã gây ra tổn thất rất lớn, rất nghiêm trọng, nhưng đằng sau đó còn nhiều lãng phí vô hình ảnh hưởng lớn đến sự phát triển. "Lãng phí vô hình sẽ làm mất đi cơ hội phát triển, làm lãng phí nguồn lực quý giá, làm suy yếu bộ máy. Những câu chuyện về việc không thể tự chủ bệnh viện, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; cán bộ, công chức không dám làm những việc cần phải làm đã gây trì trệ cho bộ máy, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc"- ông Hậu nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu đề cập đến sự "lãng phí vô hình"
Đại biểu đoàn Tây Ninh nêu rõ trong những trường hợp này, tinh thần trách nhiệm, do nhiều nguyên nhân, đã không được phát huy đầy đủ. Chính vì vậy, vị đại biểu đề nghị cần có sự lưu tâm xứng đáng cho những lãng phí vô hình này.
Theo ông Trần Hữu Hậu, thất thoát, lãng phí trách nhiệm gây ra những hậu quả khôn lường đối với hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, thực thi công vụ, làm thất thoát, lãng phí lòng tin của nhân dân.
Do đó, ông Trần Hữu Hậu đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo loại lãng phí này để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể, để không lãng phí trách nhiệm, lãng phí lòng tin, những tài sản, tài nguyên vô giá của đất nước.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng nếu coi việc giám sát này đơn thuần là việc đối chiếu các loại định mức, tiêu chuẩn xem có phù hợp hay không thì có thể chưa đủ, bởi có những lãng phí vô hình mà báo cáo không đề cập được, khó có thể đo đếm được.
Đồng thuận với nhiều nhận định về tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động, đại biểu cho rằng trong đánh giá cần bám sát thực tế hơn nữa, lấy thực tế làm thước đo đánh giá.
"Việc các tỉnh, TP có kinh tế phát triển, việc phân giao biên chế không tính đến quy mô dân số, quy mô kinh tế, phải chăng đã làm cho cán bộ công chức 3 năm chưa được nghỉ phép, không có ngày nghỉ như tâm sự của một lãnh đạo phường trên địa bàn TP HCM"- đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu thực tế.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân
Mặc dù sau 7 năm "đại phẫu" biên chế, nhưng hiện nay TP HCM vẫn dôi dư 5.700 người, và là địa phương xếp thứ 4, sau Bình Dương, Tiền Giang và Nam Định có tỉ lệ người dân/cán bộ cao nhất nước.
"Điều đáng nói, chính 5.700 biên chế dôi dư này đã cùng với hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp TP đang đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, hơn 20% GDP cả nước trong nhiều năm qua, liệu chúng ta đã thực sự đồng cảm với những khó khăn của thành phố lẫn các địa phương phát triển hay chưa"- đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại biểu đoàn Bình Dương, rõ ràng với các cơ chế chưa phù hợp, thì TP HCM hay các địa phương nêu trong báo cáo phải làm thế nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phải chăng, 63 "chiếc áo đồng phục thể chế" đã làm cho các địa phương phải xin cơ chế để thay chiếc áo cũ đã bung rách vì quá chật chội.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu thêm hiện nay đất nước đang có nhiều ưu tiên để thực hiện, từ quy hoạch tổng thể quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh. Nhưng điều quan trọng là nguồn lực tài chính để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên. Do đó, theo ông Nhân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện tháo gỡ các nút thắt, tạo nguồn lực tăng trưởng cho đất nước.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), một nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có nhiều hạn chế là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân.
Bà Nga cho rằng bản thân căn nguyên sâu xa của việc lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ sẽ dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể và lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì cái chung.
Theo vị nữ đại biểu, tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian cho đến lớn hơn là sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất mọi tài sản công.
Đồng thời, chỉ ra một thực tế là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: Tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc chấp hành một quy định của pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí mà trước tiên phải thuộc về lối sống và ý thức, đó là lối sống văn minh, văn hóa, là ý thức luôn luôn đặt lợi ích của cộng đồng, tập thể, của quốc gia, của dân tộc lên trên.
Bình luận (0)