Cần nhớ, khi xây dựng - nơi đây được kỳ vọng sẽ là bến xe hiện đại nhất nước, trở thành trung tâm trung chuyển hành khách phía Đông thành phố và thừa sức thay thế Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TP HCM). Ý chí là một chuyện nhưng thực tiễn là chuyện khác. Hành khách luôn lựa chọn những dịch vụ thuận lợi với mình nhất, quen thuộc nhất và ít tốn kém nhất. Đây là lý do Bến xe Miền Đông cũ vẫn luôn "hấp dẫn", mỗi ngày đón khoảng 12.000 hành khách với gần 800 chuyến xe xuất bến.
Lý giải cho tình trạng vắng vẻ của bến xe mới, một lãnh đạo ngành giao thông vận tải TP HCM cho rằng giao thông khu vực này chưa kết nối đồng bộ. Theo quy hoạch, các tuyến đường lân cận bến xe sẽ được mở rộng, hầm chui, cầu vượt trước bến và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đưa vào hoạt động sẽ tăng tính kết nối khu vực này. Thế nhưng cho đến nay, hiện trạng vẫn chưa có gì thay đổi nhiều, đến được bến xe còn khó thì nói gì tới việc lên xe về các tỉnh, thành. Chậm ngày nào sẽ lãng phí ngày đó và viễn cảnh người - xe tấp nập như ý muốn của những người xây dựng nó vẫn còn rất xa vời.
Những dự án "đi trước thực tiễn" kiểu này phổ biến tại nhiều nơi và có vẻ như ít được rút kinh nghiệm. Thêm một ví dụ, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung nằm trên đảo Lỗ Hố (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có diện tích hơn 300 ha, đầu tư khoảng 140 tỉ đồng rồi bỏ hoang từ năm 2019 đến nay. Còn khách sạn 4 sao Lam Kinh (Thanh Hóa) được đầu tư 500 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, được quảng cáo rầm rộ khi hoàn thành từ năm 2011. Kể từ đó làm ăn thua lỗ liên tục, rồi cũng đóng cửa từ năm 2020...
Tình trạng hồ hởi làm dự án với đủ kiểu kỳ vọng trên lý thuyết nhưng xa rời thực tiễn đã trở thành vấn nạn ở nhiều địa phương. Nó gây ra sự lãng phí rất lớn trong khi nguồn ngân sách của chúng ta không dồi dào, cần ưu tiên đầu tư cho những dự án trọng điểm, cấp bách và chăm lo sinh kế của người dân. Lãng phí ở các dự án còn thể hiện ở chậm triển khai, chậm hoàn thành, kéo dài thời gian hoàn vốn... Lãng phí vốn đầu tư là một chuyện, lớn hơn còn là lãng phí nguồn lực quốc gia, lãng phí nguồn tài nguyên, lãng phí cơ hội được thừa hưởng lợi ích của người dân.
Ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ, vấn đề này một lần nữa được đặt ra nghiêm khắc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo thẳng thắn, cần làm rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ ngành, địa phương nào để lãng phí nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.
Từng đồng tiền đều được làm ra rất vất vả, trách nhiệm của những người được giao sử dụng là phải đúng, phải hiệu quả nên việc lãng phí là điều không thể chấp nhận dù có biện hộ với bất cứ lý do gì.
Bình luận (0)