Tranh luận tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng các ĐB đã đề cập vấn đề này trước đó nhưng ở đây, chúng ta đang nói rất nhiều đến câu chuyện đùn đẩy, né tránh và làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ. Bây giờ ta bắt thế nào cho đúng bệnh?
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Phạm Thắng
Đại biểu nêu ví dụ về câu chuyện đầu tư công. Theo ĐB, rõ ràng chúng ta thấy nếu như đầu tư công năm nay giải ngân hết, hoàn thành kế hoạch sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế 2%. Nhưng tại sao chúng ta làm rất nhiều năm nay, đặt ra rất nhiều năm rồi nhưng đến nay chúng ta mới giải ngân được 14,66%? Nếu như theo quy luật thì năm nay là năm thứ ba chúng ta thực hiện đầu tư công trung hạn, khi đã hoàn thành hết các thủ tục rồi thì năm nay dần dần càng về cuối giải ngân càng cao và càng dễ giải ngân hơn, nhưng tại sao lại như vậy?
Theo đại biểu, nói về quy định của pháp luật, QH đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ bằng những cuộc họp bất thường, có rất nhiều nghị quyết để tháo gỡ khó khăn này, làm đến cùng. Trên thực tế có rất nhiều tỉnh giải ngân rất tốt như tỉnh Yên Bái.
ĐB Hạ cho hay Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân cấp, phân quyền rất nhiều, bây giờ chúng ta đặt vấn đề là phân cấp, phân quyền thì đùn đẩy xuống địa phương. "Tôi hoan nghênh Thủ tướng rất quyết liệt, đã có 2 công điện để chấn chỉnh vấn đề này nhưng tại sao vẫn không được? Khi trao đổi với cơ sở cán bộ, anh em tâm sự là: "Báo cáo các anh, chúng em là cán bộ mà không làm là người lãnh đạo người ta xử đến nơi, đến chốn, nhưng cái khó ở đây là làm sao tham mưu phải đúng quy định của pháp luật nhưng đồng thời cũng phải đúng với ý chỉ đạo của lãnh đạo", cái khó trong tham mưu là chỗ đó, cho nên không xử lý được cán bộ không chịu tham mưu" - ĐB Hạ nêu.
ĐB Hạ cho rằng trách nhiệm chính là của người đứng đầu. Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu. Bây giờ ta tổng kết lại xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người cho "đứng sang một bên" khi không làm được việc. Theo đại biểu, đây mới là điểm chính.
ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm đã có từ lâu, không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, gần đây vấn đề này có vẻ phức tạp hơn.
ĐB Tám cho biết có một bộ phận cán bộ do năng lực, trình độ hạn chế cho nên việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế, nên làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Mà không dám làm như vậy thì né tránh hoặc đùn đẩy. Hiện tượng này người dân ta vẫn hay nói là đối tượng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Đại biểu Quốc hội Kon Tum. Ảnh: Phạm Thắng
Theo báo cáo về kết quả đánh giá cán bộ năm 2021 thì có 1,72% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói rằng việc đánh giá cán bộ chúng ta là chưa thật sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc, đầu ra và mặt khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Theo đại biểu, vấn đề ở chỗ chúng ta phải khảo sát bộ phận này là bao nhiêu để xử lý.
Bình luận (0)