Quá tải công việc; hệ thống chính sách chồng chéo, không đồng bộ; tiền lương, môi trường làm việc chưa đáp ứng... khiến một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý lo ngại, e dè khi thực thi công vụ
Nhiều ngày đến trụ sở UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, phường đông dân nhất TP HCM, chúng tôi nhận thấy rất đông người đến giải quyết thủ tục hành chính. Trong căn phòng khoảng 25 m2, chồng hồ sơ đã và chưa giải quyết dày cộp, tiếng mộc đóng vang lên liên tục, trong khi cán bộ, công chức (CB-CC) phường chạy ra chạy vào như con thoi để nhận, trả hồ sơ, giấy tờ.
Quá tải, nhiều áp lực
Là CB tư pháp - hộ tịch, ông Trương Công Dũng phải vừa nhận hồ sơ vừa kiểm tra đối chiếu trên máy tính, nhập thông tin, vừa trình ký và trả hồ sơ.
Nhiều khi đang xoay như chong chóng với công việc, điện thoại reo, ông Dũng lại phải giao hồ sơ cho một CB tư pháp - hộ tịch khác rồi tức tốc đi địa bàn, kiểm tra. Sau đó, ông Dũng trở lại trụ sở UBND phường để xử lý hồ sơ hành chính cho đến tối mịt. "Khi thành phố thực hiện tinh giản biên chế, khối lượng công việc của tôi tăng gấp 3 lần" - ông Dũng chia sẻ.
Được biết, tổng biên chế UBND phường Bình Hưng Hòa A được giao là 36 người, trong đó CB-CC là 22 và không chuyên trách là 14. "Trung bình mỗi CB của phường đảm nhận khoảng 30 đầu việc; cán bộ phụ trách kinh tế là 45 đầu việc, thủ quỹ - văn thư - lưu trữ là 35 đầu việc. Chưa kể, CB-CC còn phải thực hiện nhiệm vụ được phân công. Quá tải trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân kéo theo nhiều bất cập khác. Công tác quản lý, điều hành bị hạn chế, thiếu tính chủ động trong giải quyết các sự việc phát sinh, không còn thời gian để nghiên cứu chủ trương mới hay đề xuất ý tưởng mới vì công việc trước mắt đã quá mệt mỏi" - ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, tâm sự.
Qua khảo sát thực tế tại phường Bình Hưng Hòa A với 125.894 dân, ghi nhận trong năm 2021, đã ban hành 22.000 văn bản tham mưu về quản lý nhà nước, bình quân một CB-CC tham mưu 628 văn bản/năm; 52 văn bản/tháng. Tổng số hồ sơ giải quyết là 113.449, bình quân một CB-CC giải quyết 3.241 hồ sơ/người; 270 hồ sơ/tháng.
Đồ họa: VFA
Quy định pháp luật chồng chéo
Không chỉ quá tải, sự chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng khiến một bộ phận CB-CC có tâm lý lo ngại, e dè khi thực thi công vụ. Sự lo ngại ấy không hoàn toàn vô lý, điển hình trong lĩnh vực đất đai.
Theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, việc quản lý đất công là vấn đề phức tạp, vô cùng nhạy cảm, được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật khác nhau. Trong khi đó, hàng loạt văn bản liên quan có sự không tương thích, nếu không muốn nói là xung đột nhau. Quan điểm của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra và xét xử, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cũng chưa thống nhất về việc này.
"Chuyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng), trong nhiều trường hợp, CB-CC có hết lòng, hết sức cũng không giải quyết được" - ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết.
Lấy ví dụ một số dự án thực hiện trước Luật Đất đai năm 2013, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ nói theo quy định Nghị định 148/2020/NĐ-CP, trường hợp chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh quy hoạch, quy mô dự án thì phải hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với sự thay đổi đó, khi đó người nhận chuyển nhượng nhà, đất trong dự án mới được cấp sổ hồng. Tuy nhiên, việc này còn nhiều vướng mắc và cần nhiều thời gian xử lý theo quy định. Điển hình như dự án khu nhà ở Bình Trưng Đông quy mô 6,07 ha phường Bình Trưng Đông; khu biệt thự và chung cư căn hộ quy mô 9,91 ha ở phường Thảo Điền…
Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng Phòng Kinh tế đất - Sở TN-MT thành phố, cũng cho hay một số dự án điều chỉnh quy hoạch, pháp lý kéo dài rất lâu. "Mỗi thời điểm điều chỉnh, bổ sung, về nguyên tắc lại phải xem xét nghĩa vụ tài chính là thời điểm đó phải nộp bổ sung hay không và phải nộp bao nhiêu, cực kỳ khó khăn. Rất nhiều vướng mắc sở, ngành kiến nghị, UBND thành phố kiến nghị và bộ, ngành ghi nhận nhưng không có văn bản hướng dẫn cụ thể mà đưa vào sửa luật, nghị định và thông tư. Nhưng việc liên quan đến nhiều bộ, ngành mà chờ sửa thì người dân, doanh nghiệp (DN) biết chờ đến bao giờ?" - ông Nguyễn Như Bình bày tỏ.
Một CB làm việc trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông ở TP HCM thừa nhận có tâm lý lo ngại làm đúng vẫn bị thanh, kiểm tra hoặc làm đúng nhưng vẫn có thể "vạ lây" nên "thu mình", dè chừng khi thực thi công vụ. Vì vậy, sự việc phát sinh không được xử lý kịp thời mà tốn nhiều thời gian vì đi lòng vòng các sở, ban ngành liên quan. "Thời điểm này không cần đột phá, "xé rào" mà chỉ cần làm đúng quy định thì công việc sẽ "chạy" nhanh hơn. Quan trọng nhất là tạo niềm tin, sự an tâm cho CB-CC khi thực hiện công vụ, tránh được những rủi ro không đáng có" - vị CB này nói.
Trên nóng, dưới lạnh
Mới đây, Sở TN-MT TP HCM cho biết đã hoàn tất giải quyết 10 kiến nghị tại 9 dự án, bên cạnh 73 kiến nghị đang xử lý (có 101 kiến nghị liên quan 96 dự án bất động sản gặp vướng mắc). Trong đó, có các kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành (Công ty Lê Thành). Theo đó, Sở TN-MT đã có công văn trình UBND thành phố xem xét, chấp thuận đối với việc cho công ty nhận chuyển nhượng phần diện tích 23.100 m2 đất nông nghiệp để thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Liên quan đến dự án này, tháng 3-2019, Công ty Lê Thành gửi hồ sơ lên Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM xin điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000 đối với dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 1). Hơn 3 năm, hồ sơ chưa được xử lý dù đã nộp lên 2 lần, trong khi chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch đã được UBND thành phố chấp thuận từ tháng 4-2021. Trước đó, DN này cũng mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục chấp nhận đầu tư dự án trên khi xin ý kiến các sở, ngành liên quan. "Nhiều khi lãnh đạo TP HCM, sở, ngành rất quyết tâm nhưng các chuyên viên - những người trực tiếp xử lý hồ sơ của DN lại làm chậm"- ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, bày tỏ.
Còn theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), vừa qua đơn vị thực hiện khảo sát DN nhận xét, cảm nhận về công tác hỗ trợ của các sở, ban ngành thành phố khi thực hiện thủ tục hành chính. Kết quả nhìn chung vẫn chưa cải thiện rõ rệt và tạo thuận lợi cho DN. Nhiều hồ sơ chưa thể hiện rõ vai trò tham mưu chính, xét duyệt cơ chế hội đồng kèm theo văn bản hỏi ý kiến nhiều nơi kiểu "chia trách nhiệm". Chỉ cần một nơi chưa có ý kiến thì hồ sơ bị kéo dài vô thời hạn.
Dân số một phường gấp 1,89 lần quy định
Theo thống kê từ UBND TP HCM, tính đến ngày 31-12-2021, thành phố có 90/249 phường có dân số từ 30.000 dân trở lên, trong đó có 54 phường có dân số từ 30.000 dân đến dưới 50.000 dân, 21 phường có dân số từ 50.000 dân đến dưới 75.000 dân, 12 phường có dân số từ 75.000 dân đến dưới 100.000 dân và đặc biệt có 3 phường dân số trên 100.000 dân là Hiệp Bình Chánh - TP Thủ Đức, Hiệp Thành - quận 12 và Bình Hưng Hòa A - quận Bình Tân. Như vậy, bình quân dân số một phường của TP HCM là 28.378 dân, gấp 1,89 lần so với quy định tại Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực tế, việc bố trí số lượng công chức bình quân là 15 người/phường không đủ để đáp ứng nhu cầu giải quyết khối lượng công việc. Nhiều nơi có dân số đông, phường phải tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ngoài giờ làm việc từ 17- 19 giờ các ngày thứ ba, thứ năm trong tuần.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)