Chiều 29-5, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại nghị trường về việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng
Góp ý vào báo cáo giám sát, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; đoàn đại biểu QH TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về chế độ, chính sách cho nhân viên y tế tuyến cơ sở. Trong phần kết quả đạt được, báo cáo đưa ra nhận định "có nhiều văn bản quy định về chế độ lương, phụ cấp cho nhân viên y tế". Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay chế độ tiền lương của nhân viên y tế được áp dụng từ năm 2004 (đã gần 20 năm), chế độ phụ cấp được quy định tại các văn bản đều đã hơn 10 năm. Như vậy, đây không phải kết quả đạt được, mà là hạn chế của công tác xây dựng chính sách đối với nhân viên y tế tại tuyến cơ sở.
Theo đại biểu Hà, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 05 áp dụng mức phụ cấp 100% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở nhưng thời gian áp dụng cũng chỉ đến hết năm 2023. Đại biểu đề nghị đưa nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp này vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.
Về chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở, báo cáo xác định một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã giảm từ 19,8% (năm 2017) xuống còn 14,6% (năm 2022) là do hạn chế về năng lực của trạm y tế xã trong thực hiện các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật, đại biểu Hà cho rằng thực trạng này còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác.
Lấy ví dụ, đại biểu cho biết Thông tư 20 năm 2022 đã mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế xã, nhưng do quy định về tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế, nên mức chi trả cho một đơn thuốc điều trị cùng một loại bệnh tại trạm y tế rất thấp so với các tuyến thành phố và tuyến trung ương, vì vậy, người bệnh thường muốn chuyển lên tuyến trên; một số văn bản chuyên môn như Thông tư 39, Thông tư 43 của Bộ Y tế quy định về phê duyệt danh mục kỹ thuật theo chuyên khoa, phụ thuộc vào chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, vì vậy, phạm vi hoạt động chuyên môn tại Trạm Y tế xã chưa đáp ứng hết được nhu cầu khám chữa, bệnh ban đầu của người dân.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội nêu thực trạng tại tuyến y tế cơ sở là việc thu hút người dân đến khám còn rất khó khăn, trạm y tế xã không có nguồn thu, không thu hút được bác sĩ có trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, cơ chế đặt hàng dịch vụ công, giao nhiệm vụ gắn với việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế dự phòng vẫn chưa triển khai được.
"Chúng tôi cho rằng mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán của Y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho đơn vị y tế cơ sở, chênh lệch giữa thu dịch vu và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Về tổng thể, đề nghị có thêm những đánh giá về hiệu quả thực hiện đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348 của Thủ tướng năm 2016. Trên cơ sở đó, xây dựng đề án đầu tư cho trạm y tế xã với mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn khu vực, theo bán kính phục vụ đảm bảo tính căn cơ, lâu dài" - đại biểu Hà nêu.
Về Nghị quyết giám sát chuyên đề, đại biểu Hà góp ý đối với thanh toán, quyết toán chi phí dịch vụ xét nghiệm theo cơ chế đặt hàng (khoản 3 Điều 2), đề nghị bổ sung thêm trường hợp được thanh toán, quyết toán khi chưa có "Quyết định đặt hàng" để đảm bảo đúng quy trình theo Nghị định 32 của chính phủ; đối với khoản 7 điều 2 về nội dung, tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia; bảo đảm năng lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong việc ứng phó với dịch bệnh, tôi đồng ý với nội dung này để làm cơ sở cho Bộ y tế triển khai việc mua sắm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Vitamin A.
Bình luận (0)