Ngày 10-6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP HCM) quan tâm đến quy định tại dự thảo về một số thông tin thể hiện trên thẻ căn cước công dân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) băn khoăn về thông tin quê quán trên thẻ căn cước công dân. Theo ông, lâu nay quy định quê quán là quê cha, không có quê mẹ liệu đã hợp lý hay chưa?
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa
"Quê quán chúng ta ghi quê cha, tức là quê nội, cuối cùng thông tin này đem lại ý nghĩa gì. Tại sao quê quán lại là quê cha, mà không phải quê mẹ. Nếu đã thể hiện quê cha trên thẻ căn cước công dân thì có thể thêm quê mẹ hay không?- ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này.
Đại biểu Nghĩa cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, thống nhất về "nơi sinh" hay là "nơi khai sinh". Bởi theo vị đại biểu, một người có thể sinh ở bệnh viện (thuộc tỉnh này), nhưng sẽ khai sinh ở tỉnh khác, do đó cần thống nhất.
Góp ý về thông tin quê quán thể hiện trên thẻ căn cước, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cũng đồng tình với đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi cần xem xét thể hiện cả quê cha (tức quê nội) và quê mẹ (tức quê ngoại).
Theo đại biểu Ngân, đối với hầu hết chúng ta, quê mẹ (quê ngoại) mang rất nhiều ý nghĩa, gắn với mỗi người từ tuổi thơ. Do đó, vị đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cân nhắc nội dung này.
Thẻ căn cước công dân hiện hành
Dự thảo luật cũng đã quy định sửa đổi một số thông tin thể hiện trên thẻ căn cước công dân. Cụ thể, dự thảo luật đổi thông tin dòng chữ "căn cước công dân" thành dòng chữ "thẻ căn cước"...
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh băn khoăn về quy định này và cho rằng "không có nhiều ý nghĩa" khi đổi dòng chữ thẻ "căn cước công dân" thành thẻ "căn cước". Theo đại biểu Hạnh, tại dự thảo luật đã nêu rõ thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam do cơ quan quản lý căn cước cấp theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này; Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Do đó, theo vị đại biểu, thẻ căn cước công dân là để cấp cho công dân Việt Nam, nên không cần thiết phải đổi từ "căn cước công dân" thành "căn cước". "Trong tờ trình, Chính phủ cũng chưa đưa ra lý do thuyết phục để sửa đổi thông tin này. Tôi cho rằng nên giữ tên cũ là thẻ "căn cước công dân" và không nên sửa đổi quá nhiều lần" - đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh bày tỏ.
Bình luận (0)