Chiều tối 9-12, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Chương trình Khách mời nước Chủ tịch theo hình thức trực tuyến, với sự chủ trì của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đây là hoạt động bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 7 (ADMM+ lần thứ 7),
Cùng dự có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng. Dự chương trình tại điểm cầu các nước có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN; đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước Anh, Đức, Canada, Pháp; lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu; Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.
Trưởng đoàn các nước Khách mời của nước chủ nhà Việt Nam tham dự qua cầu truyền hình trực tuyến. Ảnh: Dương Ngọc
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cho biết đây là lần đầu tiên cuộc gặp hình thức này được tổ chức trong kênh quốc phòng, bày tỏ tin tưởng đây là cơ hội tốt để các khách mời cùng trao đổi, qua đó hiểu hơn về ASEAN và các cơ chế hợp tác quốc phòng của ASEAN, để ASEAN hiểu hơn về sự quan tâm của khách mời, làm cơ sở thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết ra đời năm 2006, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) đánh dấu sự khởi đầu của cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong ASEAN. Sau khi được thiết lập, ADMM nhanh chóng trở thành thành tố quan trọng trong trụ cột chính trị - an ninh của ASEAN. Cơ chế này tạo khuôn khổ cho đối thoại và tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược quốc phòng, an ninh; đặt nền tảng thúc đẩy hợp tác trên thực tế giữa quân đội các nước ASEAN.
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, qua 14 lần tổ chức ADMM, quan hệ hợp tác quốc phòng trong ASEAN từng bước được thúc đẩy mạnh mẽ. Ở cấp độ chiến lược, các nước cam kết không được dùng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp; thúc đẩy thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa các Bộ trưởng để kịp thời xử lý các vấn đề nổi lên; khuyến khích thiết lập các cơ chế phối hợp giữa lực lượng Quân đội các nước trong ứng phó với các thách thức chung, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống; đồng thời tăng cường hợp tác thực chất trong những lĩnh vực khác ASEAN cùng quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch chào mừng các đại biểu tham dự chương trình
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, các hoạt động hợp tác đó không chỉ nâng cao năng lực đối phó với các thách thức chung ở khu vực mà còn góp phần giúp ASEAN ngày càng gắn kết hơn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động, đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống ngày càng phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng kiểm soát của một quốc gia đơn lẻ, trong khi tiềm lực của các nước trong khu vực còn hạn chế.
"Trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế thế giới, những thách thức đặt ra đối với châu Á - Thái Bình Dương cũng là thách thức của ASEAN. Vì vậy, bên cạnh ADMM, khu vực cần có một cấu trúc an ninh mang tính rộng mở hơn"- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định.
Với nhận thức đó, ngay từ khi thành lập, bên cạnh hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản được nêu trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á, ADMM được xác định mang tính chất mở, linh hoạt và dung nạp trong quan hệ hợp tác với các nước bạn bè của ASEAN, trong đó có các nước đối tác đối thoại.
Trên cơ sở đó, vào năm 2010, tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã nhất trí thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng ADMM+ giữa các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại (các nước cộng) gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Newzealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh đây là dấu mốc lịch sử của ASEAN với việc hình thành một cơ chế hợp tác an ninh - quốc phòng nhằm tăng cường hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực thông qua đối thoại; xây dựng năng lực ứng phó với các thách thức an ninh chung trong khu vực.
ADMM và ADMM+ có mối liên hệ chặt chẽ, luôn đan xen, bổ sung cho nhau, trong đó ADMM có vai trò trung tâm và định hướng. Hiện nay, hoạt động hợp tác thực chất trong ADMM+ được triển khai thông qua 7 nhóm chuyên gia, bao gồm Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, An ninh biển, Quân y, Chống khủng bố, Gìn giữ hòa bình, Hành động mìn nhân đạo và An ninh mạng.
Thời gian qua, ngày càng nhiều nước bạn bè và đối tác đối thoại của ASEAN bày tỏ mong muốn đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy an ninh, ổn định của khu vực thông qua các chương trình hợp tác trong ADMM+. ADMM đã thông qua nhiều tài liệu khái niệm, tài liệu bổ sung, hướng dẫn và các tài liệu khác, đáp ứng sự quan tâm ngày càng cao, với mục tiêu cuối cùng là tăng cường cấu trúc an ninh khu vực mang tính mở, minh bạch, dung nạp và dựa trên luật pháp quốc tế với ASEAN giữ vai trò trung tâm.
Chia sẻ tại chương trình, đại diện các nước đánh giá cao sáng kiến tổ chức của Việt Nam, coi đây là cơ hội tốt để hiểu hơn về ASEAN và các cơ chế của ASEAN, để ASEAN hiểu hơn về các đối tác, trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy hợp tác trong tương lai.
Bình luận (0)