Ngày 26-3, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, địa phương xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải liên quan đến bệnh nhân Covid-19.
Nguy cơ phát tán dịch bệnh vì rác thải F0 điều trị tại nhà không được xử lý đúng quy định
Theo đó, yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án và tham mưu cho UBND tỉnh trước ngày 7-4 về việc thu gom, xử lý rác thải trong phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là rác thải đối với F0 điều trị tại nhà. UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu khi xây dựng phương án phải đảm bảo an toàn, đúng quy định, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do rác thải không được xử lý đúng quy định.
Theo đánh giá của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đắk Lắk, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn vẫn tiếp tục tăng nhanh, tuy nhiên số ca nhập viện điều trị và tỉ lệ tử vong có xu hướng giảm. Số lượng bệnh nhân ngày một tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân cũng như công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc xử lý rác thải của các F0 điều trị tại nhà. Theo dự báo của ngành y tế tỉnh Đắk Lắk, dịch sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng 4-2022, do đó tiếp tục kiểm soát, đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Rác thải từ bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà đang được thu gom chung và không xử lý
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, hiện Đắk Lắk có hơn 60.000 người mắc Covid-19 có khai báo y tế đang điều trị tại nhà. Mỗi ngày, có hàng tấn rác thải có mầm bệnh từ các bệnh nhân Covid-19 thải ra nhưng không được xử lý đúng quy định. Rác thải của F0 đang điều trị tại nhà ở Đắk Lắk được thu gom chung với rác thải sinh hoạt rồi đổ ra các bãi rác.
Ông Bùi Văn Quý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác của khoảng 2/3 diện tích TP Buôn Ma Thuột nhưng trung bình mỗi ngày có khoảng 30.000 tấn rác thải sinh hoạt. Số lượng người điều trị tại nhà quá nhiều, không còn giăng giây phong tỏa nhà nên không biết nhà nào có bệnh nhân Covid-19 và rác thải cũng bỏ chung với nhau. Rác thải của bệnh nhân Covid-19 cũng được thu gom chung rồi chở ra bãi rác của thành phố để đổ. Điều này tạo ra các ổ vi-rút, tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển.
Bình luận (0)