Trong 2 ngày 19 và 20-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức thí điểm tuyển chọn bí thư huyện ủy cho 2 huyện Lắk và Buôn Đôn. Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên thực hiện việc tuyển chọn chức danh này nhằm chọn người tài, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
9 ứng viên tranh tài
Các ứng viên tham gia tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk gồm: bà Nguyễn Thị Thu An (SN 1979, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh), ông Hoàng Minh Cương (SN 1965, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Đắk Lắk), ông Nguyễn Văn Hà (SN 1978, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), ông Nguyễn Văn Khoa (SN 1966, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ), ông Võ Ngọc Tuyên (SN 1966, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư).
Đối với chức danh Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, có 4 ứng viên đều là người dân tộc thiểu số gồm: ông Ra Lan Von Ga (SN 1968, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Tây Nguyên), ông Y Mơ Mlô (SN 1975, Phó Giám đốc Sở Nội vụ), ông Ya Toan Ênuôl (SN 1970, Phó Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột) và ông Y Jăn Buôn Krông (SN 1971, Phó Bí thư Huyện ủy Cư Kuin).
Mỗi ứng viên sẽ có 30 phút trình bày chương trình hành động và bốc thăm chọn 3 thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt câu hỏi. Sau 3 câu hỏi này, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ đặt câu hỏi thứ 4 cho ứng viên.
Căn cứ vào khả năng xây dựng chương trình hành động (tối đa 30 điểm), trình bày chương trình hành động và cam kết thực hiện nếu được giữ chức Bí thư Huyện ủy (tối đa 30 điểm) và kỹ năng trình bày, giao tiếp, trả lời các câu hỏi chất vấn (tối đa 40 điểm), mỗi thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấm điểm độc lập cho ứng viên. Số điểm này sau đó tổng hợp lại và người có số điểm cao nhất sẽ trúng tuyển.
Bà Nguyễn Thị Thu An trình bày chương trình hành động nếu được chọn làm Bí thư Huyện ủy Lắk
Câu hỏi tình huống sát thực
Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, đặt câu hỏi cho ứng viên đầu tiên - bà Nguyễn Thị Thu An: "Là Bí thư Huyện ủy Lắk, nếu gặp tình huống tụ tập khiếu kiện đông người thì sẽ phải xử lý như thế nào?". Ứng viên Thu An trả lời bà sẽ nắm bắt tình hình, nguồn gốc sự việc; chỉ đạo các lực lượng tuyên truyền, giải thích cho nhân dân, không để những thế lực xấu lợi dụng xúi giục, kích động. Sau khi giải quyết được vụ việc, phải tổ chức xem xét toàn diện, kiểm điểm, rút kinh nghiệm...
Còn trong chương trình hành động của mình, ứng viên Võ Ngọc Tuyên cho rằng cảnh quan hồ Lắk hiện rất lộn xộn. Nếu được chọn làm Bí thư Huyện ủy Lắk, ngoài những nhiệm vụ chung về phát triển kinh tế - xã hội, ông sẽ cho trồng hoa quanh hồ, phát triển được một đường hoa nở cả 4 mùa, tạo điểm nhấn cho hồ Lắk để thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa.
Là ứng viên cuối cùng tham gia tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk, ông Tuyên được Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đặt một câu hỏi tình huống là khi xảy ra một vụ cháy rừng, Bí thư Huyện ủy phải làm gì? Ông Tuyên trả lời sẽ căn cứ vào quy chế phối hợp giữa chính quyền, lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm và người dân đã xây dựng trước đó để huy động lực lượng tham gia chữa cháy. Ông phải trực tiếp có mặt chỉ đạo, nếu cháy lớn phải báo cáo Tỉnh ủy xin ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ chữa cháy...
Có thể làm việc ngay
Ông Bùi Văn Cường cho biết trên cơ sở Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xin ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, sau đó ban hành quy định về đổi mới cách tuyển chọn bí thư, chủ tịch UBND huyện theo hướng mở rộng dân chủ. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thí điểm tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn (đang trống).
"Việc tuyển chọn bí thư cho 2 huyện Lắk và Buôn Đôn thực hiện đúng quy trình 3 bước theo quy định trước đây. Các ứng viên tham gia tuyển chọn đã được đánh giá đủ tiêu chuẩn về cán bộ cũng như về tài, đức" - ông Cường cho biết.
Ông Bùi Văn Cường đánh giá việc tuyển chọn sẽ giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy có được người tài, góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Các giải pháp khả thi của các ứng viên tại cuộc tuyển chọn sẽ được chắt lọc, áp dụng trên thực tế. Ứng viên được chọn có thể bắt tay vào làm việc ngay. Đây là sự đổi mới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Am hiểu địa phương qua chương trình hành động
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ứng viên chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk, cho biết để xây dựng được chương trình hành động, các ứng viên phải tìm hiểu rất kỹ về địa phương nên nếu trúng tuyển sẽ có thể bắt tay ngay vào công tác chỉ đạo, điều hành. Quá trình xây dựng chương trình hành động cũng giúp các ứng viên nâng cao năng lực, hiểu biết về địa phương. "Bản thân tôi đã có sự cố gắng để xây dựng và bảo vệ chương trình hành động. Tôi mong muốn Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ chọn được người có tài, có tâm vào vị trí Bí thư Huyện ủy Lắk góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương" - ông Hà bày tỏ.
Bình luận (0)