Theo ông Trung, toàn tỉnh Kiên Giang đã ghi nhận gần 750 ha lúa ở các xã Bình Sơn, Lình Huỳnh (huyện Hòn Đất) và xã Bình Trị, Kiên Bình (huyện Kiên Lương) bị nhiễm mặn với mức thiệt hại từ 30%-70%. Nguyên nhân được xác định là vì các cống ngầm dưới đường kênh do địa phương quản lý chưa bảo đảm công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Hệ thống khóa vít đóng, mở van không bảo đảm nên xảy ra việc người dân tự ý mở cống lấy nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản rồi sau đó xả thải trực tiếp ra các tuyến kênh nước ngọt nên gây nhiễm mặn cho diện tích lúa trong khu vực.
Nông dân ở xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang xót ruột vì lúa bắt đầu chết do nhiễm mặn Ảnh: THỐT NỐT
"Trước tình hình này, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị UBND các huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng các địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn nước thải, chất thải từ các ao nuôi trồng thủy sản. Trong trường hợp phát hiện người dân hoặc doanh nghiệp tự ý xả thải nguồn nước chưa qua xử lý thì xử phạt thật nặng theo quy định. Chi cục chúng tôi cũng được chỉ đạo phối hợp với UBND huyện Kiên Lương khẩn trương nghiên cứu thay mới van các cống ngầm dưới đường kênh cũng như lắp đặt hệ thống khóa chốt cửa van an toàn nhằm không để bất cứ ai tự ý vận hành cống lấy nước mặn vào kênh nội đồng" - ông Trung nói.
Trong khi đó, tỉnh Long An đã hỗ trợ tỉnh Tiền Giang đắp 6 đập dã chiến dọc theo Quốc lộ 62 để ngăn không cho nước với độ mặn hơn 5‰ từ sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) tràn qua địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ngoài việc phục vụ tưới tiêu, người dân huyện Tân Phước còn sử dụng nguồn nước ngọt ở các kênh mương nội đồng phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết việc UBND tỉnh Long An chủ động triển khai đắp 6 đập từ trước Tết nguyên đán nên vùng khóm hơn 15.000 ha của Tân Phước rất an toàn, không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ hướng sông Vàm Cỏ Tây như năm 2016.
Bình luận (0)