Trong 2 ngày 6 và 7-9, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối hợp Quân khu 9, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức chương trình "Đêm hội trăng rằm" tại đảo Thổ Châu (xã Thổ Châu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình, Báo Người Lao Động phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 trao tặng 5.000 lá cờ Tổ quốc và 20 túi y tế của Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cho ngư dân Thổ Châu. Ngoài ra, thông qua hoạt động này, Báo Người Lao Động đã gửi tặng 350 suất khám chữa bệnh miễn phí cho người dân trên đảo, mỗi suất trị giá 100.000 đồng.
Vượt sóng gió đến với đảo xa
Sáng 6-9, từ TP Phú Quốc, chiếc tàu tuần tiễu vỏ thép của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã vượt hành trình 56 hải lý (110 km) trong mưa, để mang những phần quà ý nghĩa đến với người dân xã đảo Thổ Châu - đảo xa đất liền nhất trên vùng biển Tây Nam, cách TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) 220 km.
Đại úy Danh Hền, Chỉ huy trưởng Trạm Biên phòng Bãi Dong (thuộc Đồn Biên phòng Thổ Châu), cho biết Thổ Châu nằm sát đường hàng hải quốc tế Bangkok (Thái Lan) - Kampong Som (Campuchia) - TP HCM - Hồng Kông (Trung Quốc), là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng. Trên đảo có khoảng 2.000 dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đây cũng là nơi tập trung khai thác và trao đổi hàng hóa của ngư dân các tỉnh Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang... "Đảo có nhiều cảnh đẹp và những bờ cát trắng nhưng khó phát triển du lịch do xa đất liền. Khách đến đảo chủ yếu là các đoàn đến công tác, mỗi tuần chỉ 1 chuyến tàu khách ra vào đất liền phục vụ người dân trên đảo có nhu cầu.
Đại tá Trần Văn Hậu, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (áo trắng) cùng đại úy Danh Hền, Chỉ huy trưởng Trạm Biên phòng Bãi Dong (bìa phải) và đại diện Báo Người Lao Động trao bảng tượng trưng 5.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Thổ Châu
Theo đại úy Hền, thời gian qua, nhà nước ta đã đầu tư nhiều công trình quân sự trên đảo, tích cực tuyên truyền các chính sách pháp luật về biển, đảo; đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ người dân yên tâm sinh sống, bám đảo, bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Ấm áp lễ trao cờ dưới mưa
Những ngày tháng 9, trên đảo Thổ Châu mưa kéo dài không ngớt. Mặc cho thời tiết thất thường, hàng chục ngư dân vẫn đội mưa đến nhận những lá cờ tươi thắm của Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" từ tay lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, lãnh đạo Trạm Biên phòng Bãi Dong và đại diện UBND xã Thổ Châu.
Tại cảng Bãi Dong, đại tá Trần Văn Hậu, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, bộc bạch những lời tâm huyết với ngư dân: "Cảnh sát biển sẽ đồng hành, chia sẻ với ngư dân trong mọi hoàn cảnh và mong bà con yên tâm khai thác, đánh bắt trên biển nhưng phải tuân thủ luật lệ và pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Các thế lực bên ngoài lúc nào cũng lăm le muốn chiếm lấy những hòn đảo chiến lược của ta, bà con phải hết sức tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, lôi kéo từ người lạ". Bài học từ vụ hàng chục người trốn chạy khỏi casino Campuchia vì lời hứa "việc nhẹ lương cao" mới đây chính là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất. "Bà con phải hết sức cảnh giác. Bà con có thiếu rau thì Cảnh sát biển sẽ giúp rau, thiếu thuốc thì chúng tôi có thuốc… Chúng tôi không để bà con trên đảo này phải chịu thiếu thốn, thiệt thòi" - đại tá Trần Văn Hậu nhấn mạnh.
Sau khi nghe đại tá Trần Văn Hậu giải thích ý nghĩa của Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", tuyên truyền pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển, đại diện cho hơn 20 ngư dân có mặt tại cảng Bãi Dong, ông Nguyễn Văn Trị (một người dân trên đảo), giơ cao lá cờ Tổ quốc, tuyên bố đầy xúc động: "Tôi là người lớn tuổi nhất ở đây và có 25 năm gắn bó với nghề khai thác hải sản, gắn bó với đảo Thổ Châu. Tôi xin thề trước cờ Tổ quốc, ngày nào tôi còn nhìn thấy cờ đỏ sao vàng tung bay trên tàu thì tôi còn sống chết với Thổ Châu, quyết tâm gìn giữ Thổ Châu". Nhiều ngư dân khác cũng giơ cao nắm tay lên trời, cùng thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng bám biến, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Mưa dần nặng hạt nhưng các ngư dân vẫn còn nán lại để bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi với đoàn công tác. Không khí ấm áp của buổi lễ trao cờ dường như xua tan cái lạnh của cơn mưa cuối mùa dai dẳng trên hòn đảo xa xôi nhất của vùng biển Tây Nam.
Một trong những ngư dân trẻ tuổi có mặt tại buổi trao cờ là Trương Văn Tèo, mới ngoài 20 tuổi, cho biết anh sinh ra và lớn lên trên đảo, ít khi vào đất liền. Tuổi thanh niên của Tèo và các bạn đồng trang lứa lênh đênh đầu sóng ngọn gió nhiều hơn ở trong bờ. Trước khi xuống tàu cá, Tèo còn nâng niu vuốt nhẹ lá cờ Tổ quốc, nhờ chúng tôi chụp một bức ảnh để kỷ niệm. Ở cảng Bãi Dong, tín hiệu điện thoại và internet chập chờn, tôi hứa vào bờ sẽ gửi ảnh cho Tèo. Lúc nhận được ảnh, Tèo nhắn lời cảm ơn và khẳng định sẽ mang theo hình ảnh cùng cờ Tổ quốc trong những chuyến ra khơi để nhắc nhở bản thân dốc hết sức trẻ để bảo vệ, gìn giữ biển, đảo Thổ Châu, nơi đã nuôi anh và các bạn lớn lên bằng tiếng sóng ru êm và dồi dào tôm cá.
Bình luận (0)