Ngày 17-10, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 6 nhằm thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
80% sinh viên thất nghiệp chạy xe ôm
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung trình bày cho thấy đến nay, chúng ta duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế tăng trưởng tích cực - GDP cả năm có thể hoàn thành mục tiêu 6,7%. Trong 13 chỉ tiêu được QH giao, có đến 8 chỉ tiêu đạt (tổng sản phẩm trong nước, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, tỉ lệ che phủ rừng…) và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tổng kim ngạch xuất khẩu, tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu…).
Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, bày tỏ băn khoăn với kết quả trên. Ông Lợi dẫn chứng: Chỉ tiêu tỉ lệ che phủ rừng được đánh giá là đạt thì tại sao gần đây, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải họp rất nhiều lần để chỉ đạo về việc chống phá rừng?
Tình trạng mất rừng diễn ra nghiêm trọng ở Tây Nguyên. Trong ảnh: Một cánh rừng bị tàn phá ở tỉnh Đắk Nông Ảnh: CAO NGUYÊN
Ông Lợi cho hay thực tế qua giám sát, tỉ lệ thất nghiệp ở nhiều tỉnh, thành đang tăng. "Đến 80% các sinh viên thất nghiệp đi chạy xe ôm cho Grab, Uber thì làm sao có thể đánh giá tỉ lệ thất nghiệp ở mức đạt? Phải nói rằng tình trạng thất nghiệp của chúng ta đang tăng, lao động nhảy việc quá nhiều. Nếu không tính toán, ngăn chặn thì rất nguy hiểm" - ĐB Lợi nhận định.
ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đặt câu hỏi tại sao báo cáo chỉ đề cập tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị mà lại bỏ khu vực nông thôn? "Nền kinh tế của nước ta còn chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn mà các chỉ tiêu kinh tế lại không đánh giá tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực này. Phải xem lại việc đánh giá này, đồng thời cần xem chỉ tiêu có việc làm là mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng hàng đầu chứ không phải là GDP" - ông Lộc nhấn mạnh.
Lãi suất 10% thì làm sao nông dân có lãi?
Theo báo cáo, tổng kim ngạch xuất khẩu trong chỉ tiêu kinh tế năm 2017 là vượt mức đề ra nhưng nhiều ĐB cho rằng đời sống của người dân còn rất khó khăn.
ĐB Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết lần đầu tiên nước ta xuất khẩu nông nghiệp đạt 35 tỉ USD nhưng nhiều mặt hàng nông dân vẫn đang phải chịu lỗ như thịt heo, cá tra… Vì vậy, ông Môn cho rằng phải xem lại chỉ tiêu xuất khẩu, không nên coi trọng số lượng mà phải xem xét chất lượng, giá trị gia tăng.
Tại sao xuất khẩu lớn như thế mà lại lỗ? Lý giải việc này, ĐB Môn cho rằng do chi phí đầu tư trong nông nghiệp quá lớn. Để giảm lỗ trong xuất khẩu nông nghiệp phải ưu tiên giảm lãi suất ngân hàng. "Lãi suất cho vay ở Nhật chỉ 1% trong khi ở ta cho vay lĩnh vực nông nghiệp mà đến 10% thì sao có lãi" - ĐB Môn dẫn chứng.
Theo ĐB Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, Việt Nam chưa có kênh phân phối trực tiếp vào thị trường bán lẻ của các nước, dẫn đến việc kém bền vững trong xuất khẩu. ĐB Tuấn đề xuất Chính phủ cần có những chiến lược để đưa hàng Việt Nam sang thị trường bán lẻ của các nước trong khối ASEAN và những quốc gia lớn hơn.
Cần nêu rõ các biến cố
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, cho biết trong năm qua có nhiều biến cố và các vụ tụ tập đông người mà người dân rất quan tâm nhưng không được đưa vào trong báo cáo. Ông Tiến đề xuất nên đưa các biến cố này vào báo cáo để người dân được biết những vụ nào đã xử lý và chưa xử lý.
Cùng quan điểm trên, một ĐBQH cũng cho rằng năm qua còn nổi lên dư luận liên quan đến các thành viên Chính phủ và lãnh đạo địa phương. ĐB này đề nghị tất cả các biến cố, dư luận trên cần phải có quan điểm rõ ràng cho người dân được biết vì nó ảnh hưởng đến nền kinh tế. "Chỗ này chỗ kia không ổn định về chính trị thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, đến đầu tư" - ĐB này nhấn mạnh.
Bình luận (0)