Liên quan đến việc đất rừng Sóc Sơn (TP Hà Nội) vẫn tiếp tục bị "xẻ thịt" nghiêm trọng, ngày 11-8, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc này.
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trao đổi với báo chí. Ảnh: Hữu Hưng
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép, 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép.
Theo ông Tuyên, hầu hết các vụ vi phạm xảy ra trên đất trống, không có hành vi chặt cây, khai thác cây rừng. Do vậy, Hạt Kiểm lâm số 4 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) đã phối hợp với chính quyền xã lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc san gạt, xây dựng trái phép và báo cáo kịp thời UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND các xã xử lý theo thẩm quyền.
Ông Tuyên bày tỏ xót ruột khi được hỏi về việc đất rừng Sóc Sơn vẫn đang bị "xẻ thịt" nghiêm trọng trong thời gian qua. Ông Tuyên khẳng định phần lớn khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) đang thuộc quyền quản lý của huyện Sóc Sơn. Những nơi này có thực trạng xây dựng trái phép rất nhiều và thành phố đã chỉ đạo huyện phải xử lý.
Liên quan đến phạm vi quản lý, ông Tuyên cho biết theo phân cấp của UBND TP Hà Nội, toàn bộ đất rừng ở huyện Sóc Sơn là 4.445 ha. Trong đó, huyện quản lý khoảng 2.300 ha, còn lại Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý.
Khu vực hồ Ban Tiện có nhiều công trình kiên cố mới được xây dựng từ 2 đến 3 năm lại đây. Ảnh: Hữu Hưng
Sau này, huyện Sóc Sơn phải bàn giao toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đến giai đoạn năm 2020-2021, huyện Sóc Sơn mới bàn giao đợt 1 khoảng 1.150 ha. Đối với 1.200 ha còn lại, thành phố yêu cầu huyện Sóc Sơn phải xử lý tất cả các tồn tại về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về trật tự xây dựng… rồi mới bàn giao.
Về góc độ quản lý, ông Tuyên khẳng định tất cả các công trình trái phép xảy ra trên đất lâm nghiệp đều được lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn lập biên bản, đơn vị đã đề xuất phối hợp với xã xử lý hàng trăm bộ hồ sơ. Sở không có thẩm quyền xử lý các công trình sai phạm nên phải đề nghị huyện, xã xử lý. Sở có văn bản đề nghị huyện và báo cáo cụ thể với UBND thành phố.
Theo ông Tuyên, địa phương cần đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép theo đúng quy định. Nếu Không giải quyết được mấu chốt này thì việc xâm phạm rừng Sóc Sơn sẽ không thể xử lý dứt điểm được.
Vụ sạt lở đất, đá "vùi lấp" hàng chục ôtô ngày 4-8 tại xóm Ban Tiện (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) làm lộ ra hàng loạt homestay, công trình kiên cố xây dựng xâm phạm đất rừng tại khu vực này.
Nhiều công trình được xây dựng vào các năm 2021 và 2022, chỉ sau 2 năm TP Hà Nội ra kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất rừng tại địa bàn huyện Sóc Sơn.
tại khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn), hiện trạng xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cũng diễn ra trầm trọng. Chỉ trong 2 năm 2022, 2023, xã Minh Trí phải cưỡng chế phá dỡ gần 30 công trình xây dựng kiên cố, phá dỡ 268 lều nhỏ trong rừng ở khu vực ven hồ Đồng Đò.
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Sóc Sơn có 187 công trình sai phạm trong đất rừng phòng hộ. Trước đó, vào tháng 3-2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó nêu rõ gần 3.000 trường hợp vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.
Bình luận (0)