Theo dự thảo luật, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Căn cứ vào yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định: 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật; 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật; 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng quy định về giải mật chưa rõ ràng Ảnh: NGUYỄN NAM
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cho biết hiện nay đang nảy sinh 2 vấn đề. Đó là tình trạng bí mật nhà nước bị lộ và tình trạng lạm dụng mật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật. Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành. Hay có những bộ đóng dấu mật cả vào chất vấn của ĐBQH, mà thông tin này không có thông tin mật, làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về thông tin mà mình chất vấn.
ĐB Lê Thị Nga cũng cho biết có tình trạng chậm công khai, lạm dụng bảo mật để không công khai ở nhiều cơ quan bộ, ngành. Việc này ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng, đẩy người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ vi phạm pháp luật.
"Qua theo dõi các vụ án cho thấy một số cá nhân rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp các văn bản quy định không rõ ràng. Ví dụ, một số phóng viên báo chí và thậm chí cán bộ nhà nước cũng có thể bị, trong một số trường hợp thực tế cũng đã có, vì bị quy là làm lộ tài liệu mật khi quy định về mật không rõ ràng" - bà Nga nói.
Về thời hạn giải mật bí mật nhà nước, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, cho rằng quy định về giải mật chưa rõ ràng. Có những bí mật nhà nước đương nhiên được giải mật bởi một sự kiện pháp lý. Dẫn ví dụ chúng ta vừa kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ, kế hoạch các lãnh đạo Đảng, nhà nước đi dự ở các điểm cầu truyền hình thì hoàn toàn là bí mật. Nhưng khi bắt đầu MC giới thiệu là các lãnh đạo có mặt tại đó, thì đương nhiên sự kiện pháp lý đó sẽ trở thành giải mật sự kiện đó. Cho nên để 10 năm, 20 năm là không cần thiết.
118.000 tỉ đồng cho 654 km cao tốc Bắc - Nam
Sáng 22-11, QH đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020.
Theo Nghị quyết, một số đoạn cao tốc được đầu tư gồm đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Dự án chuẩn bị từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021. Giai đoạn 2017- 2020 dự kiến đầu tư 654 km. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến 118.716 tỉ đồng, bao gồm: 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.V.Duẩn
Bình luận (0)