Về lâu dài, điện mặt trời cần được khuyến khích để trở thành một nguồn phát quan trọng trong tổng cơ cấu nguồn điện, bởi nó góp phần giảm thiểu ô nhiễm, nhất là trong bối cảnh Hà Nội, TP HCM và nhiều TP lớn đang ngày càng ô nhiễm.
Nhiều nước đã áp dụng hình thức điện mặt trời trên các hồ thủy điện để giảm sử dụng đất, bớt chi phí giải phóng mặt bằng, từ đó giảm giá thành đầu tư cũng như giảm áp lực cho giá điện nói chung. Tất nhiên, diện tích hồ được sử dụng ở mức nào cần được đánh giá kỹ để không ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Hiện Việt Nam cũng đã có dự án điện mặt trời trên lòng hồ và cần phát huy hơn nữa.
Ngoài ra, một nguồn điện quan trọng nên được tận dụng là điện mặt trời áp mái đối với các hộ gia đình, công sở, khu công nghiệp... Nếu làm được, Việt Nam sẽ tận dụng tốt lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo dồi dào với chi phí phù hợp nhất.
Liên quan đến các dự án đầu tư điện mặt trời quy mô vừa và lớn của các công ty năng lượng tư nhân, Chính phủ cùng các bộ, ngành và cơ quan liên quan đang đưa ra hướng thiết kế giá mới. Theo đó, đối với các dự án mới hoặc dự án chưa ký hợp đồng mua bán điện, sẽ không áp dụng biểu giá cố định mà chuyển sang đấu thầu công khai.
Tôi cho rằng đây là phương án tốt bởi điều kiện nắng, giá đền bù đất ở các địa phương khác nhau, thậm chí từng khu vực trong một tỉnh cũng có giá khác nhau, vì vậy nếu áp dụng chung một giá thì không bảo đảm công bằng.
Chẳng hạn, riêng về số giờ nắng, Ninh Thuận, Bình Thuận có tới 3.000 giờ nắng mỗi năm nhưng các tỉnh miền Bắc chỉ có dưới 1.600 giờ. Khi đưa vào đấu thầu, khu vực có giờ nắng cao và giải phóng mặt bằng thuận lợi có thể đưa ra mức giá thấp hơn vùng nắng ít và khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Chỉ có như vậy mới đủ khuyến khích các công ty tham gia điện mặt trời và cũng giúp chọn lọc dự án tốt hơn, tránh tràn lan.
Tuy đấu thầu là cơ chế ưu việt nhưng cách làm cần minh bạch để tránh tiêu cực, chạy "cửa sau". Khi được làm minh bạch thì điện mặt trời sẽ có giá tốt, có tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp đang trong tình trạng đầu tư dở dang cũng không phải lo chạy đóng điện trước thời hạn thực hiện cơ chế đấu thầu, giảm được tình trạng đầu tư tràn lan, lộn xộn, gây quá tải lưới điện.
Nhìn chung, điện mặt trời vẫn là một nguồn năng lượng của tương lai, cho dù giá thành hiện còn cao. Ngành điện cũng nên tham vấn ý kiến người dân về câu chuyện giá thành để có chính sách hài hòa, nhằm mục đích vừa khuyến khích đầu tư sử dụng điện mặt trời, giảm sử dụng điện than gây ô nhiễm vừa có giá thành điện hợp lý với thu nhập của người dân và các yêu cầu vĩ mô khác.
Bình luận (0)