Chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2022), ngày 7-10, UBND TP Hà Nội phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức lễ khởi công dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội.
Các đại biểu khởi công dự án
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện để phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
Đây cũng là một trong những định hướng lớn, trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; trong đó, việc phát triển phương thức giao thông vận tải khối lượng lớn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông khung của TP theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và hạn chế ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn thủ đô.
Tàu đường sắt Nhổn-ga Hà Nội vận hành thử nghiệm đoạn trên cao. Ảnh: MRB
Dự án gồm 3 hợp phần, trong đó, hợp phần 1 xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi nghiên cứu (bán kính 100-500 m của các nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội) để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 3; mở rộng đường Cầu Giấy cho người đi bộ; cải tạo, chỉnh trang, thảm lại mặt đường bằng bê-tông nhựa; sơn kẻ, tổ chức giao thông khu vực các nhà ga số 8, 9, 10, 11, 12; cào bóc, xử lý móng, mặt đường tại các vị trí hư hỏng; sơn kẻ, tổ chức giao thông đoạn từ ga 6 đến ga 8 (đoạn Xuân Thủy-Cầu Giấy). Cùng với đó, cải tạo đồng bộ hè, đường, tổ chức giao thông đoạn từ Nhổn-Xuân Thủy (từ ga số 1 đến ga số 6).
Hợp phần 2 thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp và công nghệ mới (xe điện); sử dụng Hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên xe buýt và Hệ thống thông tin kiểm soát vận hành; cải thiện trạm dừng xe buýt giữa các ga đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, hạ tầng dịch vụ, hệ thống trạm sạc (depot) tại khu vực Trạm trung chuyển đa phương thức, điểm đỗ xe công cộng và điểm đầu cuối xe buýt tại phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm).
Hợp phần 3 nghiên cứu các chính sách và quy định. Trong đó, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng; hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; hạn chế phát thải.
Dự án được thực hiện trên địa bàn 6 quận, gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm với tổng mức đầu tư 54,75 triệu USD, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.
Bình luận (0)