Ngày 15-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) - đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX - cho biết sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển đã tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho kinh tế tập thể, HTX phát triển. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 13, Luật HTX ra đời năm 2012 đã tạo ra khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của loại hình này.
Tính đến ngày 31-12-2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Năm 2020, bình quân mỗi HTX có doanh thu đạt 4,3 tỉ đồng, tăng 61% so với năm 2013 và lợi nhuận đạt 314 triệu đồng, tăng 88%. Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp; từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2017 tăng lên 52,8 triệu đồng/năm vào năm 2019.
Bên cạnh những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13, tham luận của đại diện một số bộ, ngành, địa phương cũng chỉ rõ mô hình kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Điều đáng quan tâm là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh kinh tế, thương mại trên toàn cầu ngày càng gay gắt thì kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn rất khó có chỗ đứng, cạnh tranh, tồn tại và phát triển.
Vì vậy, trong thời gian sắp tới, cần có giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển mới. Khu vực kinh tế tập thể phải nắm lấy vai trò dẫn dắt hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn đủ sức cạnh tranh trên thương trường.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị Ảnh: Nhật Bắc
Dư địa còn rất lớn
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX, là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước khuyến khích phát triển. Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có chuyển biến tích cực về chất và lượng; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân. Ngày càng xuất hiện nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả. Điển hình như mô hình hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân, với 1.181 quỹ hoạt động trên 57/63 tỉnh, thành, thu hút trên 1,8 triệu thành viên.
Thủ tướng nhìn nhận cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của kinh tế tập thể, HTX còn rất lớn, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam có thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, thị trường quốc tế tiếp tục mở rộng với 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và đàm phán.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng nêu một số mục tiêu, định hướng, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ, hoàn thiện thể chế về kinh tế tập thể. Phát triển kinh tế tập thể theo hướng sáng tạo, khoa học, công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; huy động mọi nguồn lực đầu tư vào khu vực kinh tế tập thể. Song song đó, nghiên cứu, có mô hình quản trị kinh tế tập thể và kinh tế HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình phát triển truyền thống và phù hợp với tình hình phát triển trong nước, quốc tế trong thời kỳ mới; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của kinh tế tập thể, HTX.
Về định hướng sửa đổi Luật HTX, Thủ tướng nêu rõ cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX ở nước ta trong thời gian tới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi Luật HTX cần tập trung vào các nhóm chính sách quan trọng như: Nghiên cứu hoàn thiện các quy định xác định rõ về bản chất HTX; nghiên cứu hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện với nhiều hình thức hợp tác, như tổ hợp tác, liên đoàn HTX…
Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi)
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp hoàn thiện báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, đồng thời dự thảo tờ trình và dự thảo nghị quyết mới về kinh tế tập thể, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị theo chương trình công tác.
Thủ tướng cũng yêu cầu tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại hội nghị, hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX để báo cáo Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi), trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Bình luận (0)