Trong số những nạn nhân của "tín dụng đen", có người dính vào tệ nạn xã hội như cá độ, đánh đề hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật. Những người này bị sức ép tài chính cần giải quyết nhưng không thể vay ở các tổ chức tín dụng vì không đủ và không ai cho vay để thực hiện hành vi phi pháp. "Tín dụng đen" ra tay "giúp đỡ" nhưng đó là cái bẫy để đưa con mồi vào tròng. Cùng đó là thủ tục vay đơn giản, chỉ cần chứng minh nhân dân, không cần gặp mặt cũng có thể vay được tiền. Thậm chí, một số công ty cho vay tài chính ở các nước lân cận cũng tràn sang Việt Nam quảng cáo trên các trang mạng xã hội, người dùng chỉ cần tải ứng dụng, làm theo hướng dẫn là có thể vay tiền nhanh chóng.
Vậy, có cách nào để đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ hoạt động "tín dụng đen"? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công an đã mở các đợt tấn công tội phạm trong lĩnh vực này. Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng nhiều giải pháp cùng các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính để người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, các đối tượng có nhu cầu về vốn ở nông thôn và hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở thành thị tiếp cận được vốn một cách nhanh nhất, tốt nhất. Hiện hệ thống các tổ chức tín dụng đều có nhiều sản phẩm rất thiết thực để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ phối hợp Bộ Công an sử dụng dữ liệu cơ sở quốc gia về cư dân để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn mà không phải qua các thủ tục rườm rà. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng trong cuộc chiến đẩy lùi "tín dụng đen".
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp mà ngành ngân hàng đưa ra, không thể không nhắc đến tầm quan trọng của công tác truyền thông. Không chỉ các cơ quan báo chí mà các tổ chức tín dụng cũng phải tự mình giới thiệu bằng nhiều hình thức để người dân ở những nơi khó khăn nhất cũng biết và hiểu được lợi ích khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, đồng thời giúp họ thấy được hậu quả khi sa chân vào "tín dụng đen".
Đồng thời, đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan tố tụng, trong đó, ngành tòa án đóng vai trò then chốt. TAND Tối cao cùng các cơ quan tố tụng ở trung ương cần có sự nhất quán trong việc xét xử các vụ án liên quan hoạt động "tín dụng đen". Đối với các giao dịch dân sự có dấu vết "tín dụng đen", cần mạnh dạn và kiên quyết tuyên vô hiệu các giao dịch cho vay đội lốt hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất để bảo vệ người đi vay.
Với sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nghiêm minh của pháp luật thông qua hoạt động xét xử cùng các giải pháp kịp thời của ngành ngân hàng, "tín dụng đen" sẽ không còn đất sống.
Bình luận (0)