Tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM vào chiều 25-8, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hiện nay thành phố đã tiêm mũi 1 cho hơn 76% người dân trên 18 tuổi; 3,1% dân số đã tiêm đủ 2 mũi.
Tăng đội tiêm, đến từng tổ, ấp
Kế hoạch của thành phố là nhanh chóng phủ mũi 1 vắc-xin. Tính đến nay, thành phố đã tiêm được 5.568.991 mũi, trong đó tổng số mũi 1 là 5.346.793, mũi 2 là 222.198; số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 561.934. Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, hiện kế hoạch tiêm mũi 2 đã lồng vào kế hoạch tiêm mũi 1, theo thời hạn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu người dân tiêm vắc-xin ở đợt 4 bắt đầu từ ngày 21-6 thì theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc-xin AstraZeneca tiêm mũi 2 từ 8-12 tuần. Nhưng theo đánh giá, thời điểm sau 12 tuần là hiệu quả nhất của vắc-xin, tạo kháng thể cao nhất. Theo đó, việc tiêm mũi 2 vắc-xin này rơi vào giữa tháng 9. Tương tự, đối với mũi 2 vắc-xin Pfizer là từ 3-4 tuần, Moderna là 4 tuần và Vero Cell là 4 tuần. Hiện vắc-xin Vero Cell đã tiêm được hơn 885.000 mũi 1, tốc độ tiêm đạt yêu cầu.
Người dân huyện Hóc Môn, TP HCM đi tiêm vắc-xin Ảnh: THU HỒNG
Cập nhật dữ liệu được công bố từ Cổng thông tin Covid-19 TP HCM (Sở Y tế TP) đến ngày 24-8, thành phố có 5 địa phương đạt độ phủ vắc-xin 100% là quận 1, 5, 7, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ; quận 6, 11 và TP Thủ Đức từ 90%-99%; 9 quận - huyện đạt bao phủ 57%-75% gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 3, 4, 8, 10, 12, Tân Bình; quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân và huyện Nhà Bè là 5 địa phương đạt độ bao phủ 41%-49%. Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, việc tiêm vắc-xin thời gian đầu gặp một số khó khăn do địa bàn rộng, dân số đông nhưng chỉ được phân bổ 22 đội tiêm nên tỉ lệ tiêm thấp. Huyện đã tăng thêm 60 đội tiêm, triển khai các tổ tiêm lưu động, đến từng tổ, ấp, vừa kết hợp xét nghiệm nhanh vừa tiêm khi kiểm tra sức khỏe người dân đủ điều kiện. Tính đến ngày 25-8, tỉ lệ tiêm vắc-xin trên địa bàn huyện đạt 77,09% (271.401 người/352.039 người). Trong đó có 18.766 người trên 65 tuổi được tiêm vắc-xin (chiếm 70,29%); 4/12 xã, thị trấn đạt tỉ lệ tiêm trên 95%.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết tỉ lệ tiêm vắc-xin toàn huyện hiện đạt 75% (249.899 người), huyện tăng cường thêm các đội tiêm từ 58 lên 63 đội. Là xã có dân số đông nhất nhì của huyện Bình Chánh với 130.000 người, ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết đến thời điểm này, tỉ lệ tiêm vắc-xin toàn xã đạt hơn 50%. Khó khăn ban đầu là thiếu nhân sự nhưng đến nay nhân sự tạm ổn, tốc độ tiêm đều đặn với 4 điểm tiêm và 8 bàn tiêm.
Khuyến khích địa phương, tổ chức tìm mua vắc-xin
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết bộ đã phối hợp với tất cả bộ, ban ngành cũng như khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia việc tìm kiếm, nhập khẩu vắc-xin để có nguồn sử dụng cho người dân nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất. Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc-xin. Cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chống việc giả mạo vắc-xin. Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vắc-xin về Việt Nam, nếu có ủy quyền chính thức của nhà sản xuất. Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận các nguồn vắc-xin của các doanh nghiệp, tập đoàn.
Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam đã nhận được khoảng 23 triệu liều vắc-xin từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết. Trong tháng 8 và 9, dù thế giới rất khan hiếm vắc-xin, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được các nguồn hỗ trợ vắc-xin nhiều hơn dự kiến từ nhiều đối tác. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam có thể nhận 10-12 triệu liều vắc xin vào tháng 9; đến quý IV/2021, vắc-xin có thể về dồn dập, trong đó khoảng 47-50 triệu liều Pfizer.
Trước đó, tối 24-8, tại cuộc họp của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin, các thành viên đã trao đổi nhiều biện pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh vận động vắc-xin, chú trọng đẩy mạnh vận động cấp cao và các cấp, đôn đốc các hãng sản xuất cung cấp vắc-xin nhanh nhất và sớm nhất, thúc đẩy khả năng các nước nhượng lại vắc-xin.
Ý và Romania tặng vắc-xin cho Việt Nam
Ngày 25-8, Chính phủ Ý đã quyết định tài trợ 801.600 liều vắc-xin AstraZeneca cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19. Dự kiến số vắc-xin này sẽ được vận chuyển và bàn giao cho Việt Nam vào đầu tháng 9 tới đây. Đây là kết quả của vận động cấp cao, trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư cho Thủ tướng Ý Mario Draghi đề nghị hỗ trợ vắc-xin và các nỗ lực vận động mà Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin đã triển khai trong thời gian qua.
Quyết định này là minh chứng cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ý, thể hiện tinh thần đoàn kết của Chính phủ và người dân Ý đối với Việt Nam trong thời điểm khó khăn. Hiện Ý là nhà tài trợ lớn thứ 4 trong EU cho cơ chế COVAX với cam kết ủng hộ 15 triệu liều vắc-xin và 359 triệu USD. Với vai trò là đối tác phát triển của ASEAN, vừa qua Ý cam kết tài trợ bổ sung 2 triệu USD vào quỹ đặc biệt của ASEAN để chuẩn bị và ứng phó với đại dịch Covid-19.
Cùng ngày, tại trụ sở Bộ Ngoại giao đã diễn ra lễ tiếp nhận tượng trưng 300.000 liều vắc-xin Astra Zeneca ngừa Covid-19 do Chính phủ Romania gửi tặng Việt Nam.
Đại sứ Romania tại Việt Nam Cristina Romila khẳng định việc Chính phủ Romania quyết định tặng Việt Nam 300.000 liều vắc-xin phòng chống Covid-19 dựa trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trong hơn 7 thập kỷ qua. Người dân và Chính phủ Romania luôn ghi nhớ những hỗ trợ quý báu về khẩu trang, vật tư y tế mà Chính phủ, các tổ chức, hội, đoàn và cộng đồng người Việt Nam tại Romania đã dành cho Romania trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.
D.Ngọc
Bình luận (0)