Bác cũng là người mà các nhà báo phương Tây muốn phỏng vấn nhất vì các câu trả lời vừa trí tuệ vừa hài hước của bác.
Vào đầu những năm 1990, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Bác cho người mua sách về hệ thống chính trị, đường lối ngoại giao và kinh tế của Mỹ và dịch ra tiếng Việt để bác đọc.
Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin chuẩn bị sang thăm Việt Nam, chị Nguyễn Thị Băng Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính lúc bấy giờ, dẫn chúng tôi vào gặp bác để báo cáo tình hình. Bác đặt rất nhiều câu hỏi về cơ chế thị trường, thị trường chứng khoán... làm chúng tôi rất bối rối.
Đại sứ Phạm Sanh Châu (bìa trái) khi còn làm phiên dịch cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain Ảnh: AFP
Rồi bác rành rọt giải thích như một thầy giáo và căn dặn: "Các cô, các cậu phải đọc nhiều vào mới hiểu được tình hình thế giới". Bác là tấm gương sinh động nhất của việc "Học tập suốt đời" và "Học để biết tự học" - một tư tưởng giáo dục mà Tổ chức UNESCO chủ trương lan tỏa trên khắp thế giới.
Có lẽ thách thức lớn nhất trong nghề dịch của tôi là khi bác Đỗ Mười tiếp Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher ngày 5-8-1995. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ ngay sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 11-7-1995. Vì vậy, sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước rất lớn. Báo chí quốc tế và Việt Nam xin vào dự cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ với người đứng đầu Đảng Cộng sản của Việt Nam rất đông.
Để chuẩn bị cho việc này, tôi đã học thuộc lòng các nội dung sẽ trao đổi giữa hai bên và dự kiến trước mọi tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều tôi không ngờ đã xảy ra. Đó là khi Ngoại trưởng Christopher bước vào phòng tiếp, bác Đỗ Mười đứng dậy và nói rất to: "Xin chào ông!". Tôi dịch xong thì bất ngờ với câu thứ hai tiếp theo: "Tôi gặp ông suốt".
Tôi cực kỳ hoang mang vì đây là cuộc gặp lịch sử cấp cao lần đầu tiên giữa hai bên. Tôi tìm cách hoãn binh khi chưa hiểu hết ý của câu cần dịch bằng cách đổi thành "Chào mừng ngài đến Việt Nam!". Tới câu thứ ba, bác nói: "Tôi gặp ông suốt trên tivi" thì tôi mới hiểu ra ý để dịch tiếp. Ông ngoại trưởng tỏ ra rất thích thú vì được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam theo dõi thường xuyên trên tivi.
Đến câu thứ tư bác lại làm tôi bất ngờ: "Dạo này ông gầy quá, chắc đi lại nhiều vất vả!". Bác đã gặp ông ấy trước đâu mà biết ông ấy gầy đi? Ông ngoại trưởng giải thích tiến trình hòa bình Trung Đông đang vào giai đoạn quyết định nên ông phải đi lại nhiều đến Trung Đông để thúc đẩy. Sau đó, bác Đỗ Mười nói tiếp: "Ông đi lại ít thôi, ảnh hưởng đến sức khỏe là bà nhà không hài lòng đâu!".
Bác khuyên như vậy trong những câu đầu tiên tại một cuộc gặp chính thức với người đại diện cấp cao của một nước cựu thù, nghe rất mộc mạc và chân thành, đi vào lòng người. Sau đó, cuộc nói chuyện diễn ra hết sức thân mật và tình cảm đến mức không ai nghĩ đó là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Việt Nam.
Sau khi đoàn về, bác hỏi chúng tôi: "Các cậu có hiểu được ý tôi khi nói mấy câu đầu không?". Chúng tôi chăm chú nhìn vào bác và bác nói tiếp một cách hùng hồn trong khi vẫn vung tay mạnh mẽ: "Ý tôi là các ông đừng có đi nhiều đến để can thiệp vào công việc các nước khác, hãy để họ tự lo công việc nội bộ của họ".
Bác Đỗ Mười thâm thúy đến thế nhưng cách thể hiện lại rất đơn giản, mộc mạc và chân thành. Bác đã gửi đi một thông điệp rất rõ đến Mỹ. Đó là "Việt Nam sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Mỹ nhưng Mỹ chớ có can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam".
Bình luận (0)