ĐBQH Trần Thị Diệu Thuý (TP HCM)
Ngày 9-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt. Nội dung về khảo nghiệm cây giống và nội dung quy định về phân bón được nhiều đại biểu quan tâm.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP HCM), Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, cho rằng cần quy định cụ thể hơn về hạn chế khảo nghiệm đối với tổ chức có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp như công ty mẹ, công ty con, trong cùng tổ chức cho vay, góp vốn, liên doanh, người thân... để đảm bảo tính minh bạch, chính xác trong hoạt động khảo nghiệm. Đồng thời, cần bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc giám sát, thẩm tra các kết quả này cùng các chế tài xử lý vi phạm gian lận.
Góp ý về quản lý giống cây trồng tại Điều 36, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng, nữ ĐB của TP HCM đề nghị bổ sung thêm quy định về các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải có trách nhiệm bồi thường cho người trồng trong trường hợp cung cấp nguồn giống không đảm bảo chất lượng được xác định gây thiệt hại cho nhà nông như kiểu bắp trồng không hạt thời gian qua.
Bên cạnh đó, ĐB Trần Thị Diệu Thuý cũng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm trồng trọt trên thị trường để đảm bảo mặt toàn diện về nội dung của quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu trồng trọt cũng như đảm bảo chất lượng nguồn giống, chất lượng nông sản, sức khỏe người tiêu dùng và tăng độ tin cậy của sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ cho việc xuất, nhập khẩu nông sản.
"Đề nghị bổ sung quy định cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng hàng rào kỹ thuật, kiểm soát đối với cây giống, sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu nhằm bảo vệ người tiêu dùng và nền nông nghiệp nước ta. Bổ sung thêm quy định về dán nhãn sản phẩm trồng trọt, canh tác theo lối hữu cơ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch"- ĐB Thuý nêu quan điểm.
Ngoài ra, ĐB Trần Thị Diệu Thuý cũng đề nghị cần bổ sung nguyên tắc về tính hợp lý, thống nhất giữa quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp trong tổng thể quy hoạch đất đai tại địa phương, chiến lược phát triển ngành, kinh tế, môi trường và rộng hơn là quy hoạch vùng để đảm bảo phát triển bền vững, công bằng.
Về quản lý phân bón tại Chương III, theo ĐB Trần Thị Diệu Thuý, nội dung các quy định về nhập khẩu mua bán phân bón còn khá sơ sài, chưa có cơ sở để giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra được dư luận quan tâm như tình trạng nhập khẩu phân bón kém chất lượng, phân bón không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhập khẩu phân bón tràn lan phụ thuộc nguồn cung của nước ngoài ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp của nước ta.
"Vì vậy đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về tính nguyên tắc xuất khẩu, nhập khẩu phân bón như kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phân bón. Việc nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường. Ưu tiên sử dụng phân bọn trong nước, chỉ nhập khẩu phân bón khi nguồn cung trong nước không đáp ứng. Ưu tiên việc nhập khẩu phân bón hữu cơ. Ngoài ra đề nghị nên đưa Điều 46 kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón vào mục 3 Chương III xuất, nhập khẩu phân bón sẽ phù hợp và liền mạch hơn" - ĐB Thuý đề nghị.
Bình luận (0)