Phóng viên: Điệp khúc ì ạch giải ngân vốn đầu tư công đã tồn tại cả chục năm nay với hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra nhưng gần như vẫn không khắc phục được. Điểm nghẽn mấu chốt là gì, thưa ông?
- Ông ĐINH VĂN NHÃ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Điểm nghẽn đầu tiên cần kể đến là khâu thủ tục phê duyệt đầu tư còn rất rườm rà, phức tạp, đặc biệt là dự án nhóm A với tính chất độc quyền hoặc dự án lớn, dự án quan trọng. Bởi lẽ, dự án càng lớn càng liên quan đến thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của nhiều cấp khác nhau, khi đi qua nhiều cấp thì dẫn đến thời gian kéo dài. Trong khi đó, hiện thiếu quy định rõ ràng về thời hạn phải ra quyết định ở từng khâu, từng cấp, dẫn đến lòng vòng, kéo dài. Khi truy xét lại trách nhiệm cũng khó quy cho khâu nào, cá nhân nào. Vấn đề sâu xa nằm ở chỗ công tác đánh giá hiệu quả làm việc của công chức ở các khâu này không được rõ ràng, thiếu quy chuẩn quản lý cán bộ, phân cấp nhiệm vụ chưa gắn với lợi ích vật chất như thưởng phạt, trừ điểm, xếp hạng…
Tình trạng nêu trên cộng với Luật Đầu tư công 2014 cho phép giải ngân kéo dài nên dẫn đến tình trạng mất thời gian mà không giải ngân được. Để tháo gỡ, cần thay đổi lại ngay cách điều chuyển vốn đầu tư công. Thông thường, đến ngày 1-9, bộ, ngành, địa phương nào giải ngân chậm mới bị điều chuyển vốn thì bây giờ, nên điều chuyển ngay từ đầu quý II để cho bộ, ngành, địa phương khác có khả năng giải ngân không phải nằm đợi vốn. Ước tính năm 2020 có khoảng 30% vốn đầu tư công bị chậm, gồm 15% số vốn chưa giải ngân hết năm 2019 và khoảng 15% vốn bị chậm trễ trong năm 2020. Nếu đưa được số vốn này vào nền kinh tế thì chắc chắn sẽ có sức lan tỏa, giúp phục hồi được các chỉ tiêu.
Điểm nghẽn tiếp theo nằm ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Vấn đề nan giải ở chỗ ngay cả Luật Đầu tư công 2019 cũng mới đưa ra được giải pháp xử lý một phần điểm nghẽn ở những dự án lớn. Cụ thể, theo luật này, chỉ dự án nhóm A thì GPMB mới được coi là một dự án thành phần và được ứng vốn trước để triển khai. Còn dự án nhóm B, C vẫn coi GPMB là một nhiệm vụ trong dự án, không được ưu tiên ứng vốn như nhóm A nên vẫn không dễ GPMB nhanh chóng.
TP Đà Nẵng có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao so với nhiều địa phương trên cả nước. Trong ảnh: Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, một trong những dự án đầu tư công trọng điểm của Đà Nẵng Ảnh: BÍCH VÂN
Còn vấn đề sợ trách nhiệm, nhất là ở những người đứng đầu?
- Đây cũng là một vấn đề nhưng không phải lớn như vấn đề thủ tục, quy trình xử lý công việc. Thêm nữa, do chưa siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền nên dẫn đến việc "không sợ trách nhiệm" chứ không phải "sợ trách nhiệm".
Hết quý II nhưng tình trạng đủng đỉnh giải ngân vẫn không được khắc phục dù Thủ tướng đã có những động thái mạnh mẽ và Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã có hiệu lực được hơn nửa năm?
- Tôi đánh giá Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1 đã đưa ra được những giải pháp rất mạnh mẽ để cải thiện tốc độ giải ngân vốn công. Tuy nhiên, có hạn chế khách quan là luật mới có hiệu lực được hơn 6 tháng thì mất tới 4 tháng nền kinh tế gần như không vận hành được vì dịch Covid-19 nên hiệu ứng từ luật chưa thể hiện rõ. Cần ít nhất đến cuối năm 2020 mới có thể đưa ra được đánh giá.
Một việc khác nữa là luật có hiệu lực từ đầu năm 2020 thì phần vốn phân bổ trong năm 2019 sẽ vẫn được chuyển nguồn tối thiểu là 2 năm theo quy định cũ, tức kéo dài đến hết năm 2021. Phần lớn vốn đầu tư được giải ngân từ đầu năm đến nay cũng là vốn phân bổ của 2019. Vốn của năm 2020 mới vừa được phân bổ chi tiết đến các dự án, chưa giải ngân. Do đó, cần có độ trễ để thực hiện được hiệu quả quy định của luật mới là thời hạn chuyển nguồn vốn rút xuống còn 1 năm. Hết 1 năm, nếu chưa giải ngân hết thì lập tức phần còn lại được đưa vào dự toán và khấu trừ vào năm sau. Bên cạnh đó, kế hoạch cấp vốn của năm tiếp theo cũng dựa trên năng lực giải ngân của năm trước. Như vậy, sẽ cấp tiền theo đúng năng lực tiêu tiền của bộ, ngành, địa phương, hay nói cách khác là "chọn mặt gửi tiền".
Tôi hy vọng luật mới với những quy định rõ ràng, quy trình gọn hơn, việc giải ngân sẽ được đẩy mạnh trong các năm tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp): Khó giải ngân như mong muốn
Thủ tướng vừa ký quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn để kiểm tra tình hình thực tế và đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương. Đây là động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc ghi nhận những vướng mắc thực chất xung quanh việc vốn đầu tư công khó giải ngân.
Theo đánh giá của tôi, bên cạnh những nguyên nhân cố hữu ở khâu GPMB, thẩm tra tới lui, hồ sơ và thủ tục phức tạp, còn có tình trạng gây thất thoát, lãng phí vốn công; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mà thực tế không ít cán bộ bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý.
Chúng ta cũng phải thừa nhận 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, khó tránh khỏi tình trạng cán bộ lãnh đạo có tâm lý "hoàng hôn nhiệm kỳ", ngại chỉ đạo, ngại trách nhiệm, khiến tiến độ công trình không thể chạy nhanh được. Mặt khác, Luật Đầu tư công 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1 năm nay nhưng vẫn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Dự kiến, đến năm 2021 mới có thể tổ chức thực hiện theo luật mới được, sau đó cũng cần thêm thời gian để bắt nhịp nhuần nhuyễn.
Từ những lý do trên cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi cho rằng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020 khó đạt mong muốn và cũng khó đạt được tỉ lệ như năm trước, dù tỉ lệ giải ngân của năm trước cũng không cao.
Chuyên gia kinh tế VŨ ĐÌNH ÁNH: Kiên quyết loại bỏ dự án kém hiệu quả
Vướng mắc GPMB của các dự án đầu tư công phần lớn nằm ở việc địa phương còn chưa quyết liệt xử lý thông qua đối thoại, thỏa thuận và ban hành giá đền bù hợp lý cho người dân. Quy trách nhiệm cụ thể cho địa phương, yêu cầu giải trình và chịu trách nhiệm trước Chính phủ là một trong những giải pháp để thúc các địa phương có cách giải cho bài toán GPMB. Bên cạnh đó, cấp vốn trước cho GPMB cũng là việc cần được tính đến; nhưng lưu ý xem xét, thẩm tra kỹ dự án, chỉ cấp cho dự án có đủ năng lực, dự án có tầm quan trọng với kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, tôi kiến nghị kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, dự án triển khai chậm, không giải ngân được vốn, đặc biệt là dự án chưa chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. Song song đó, tập trung vốn cho các dự án đầy đủ thủ tục đầu tư, dự án hiệu quả cao, bảo đảm tiến độ. Thậm chí, có thể cho phép những dự án đầu tư tốt được đầu tư vượt tiến độ kế hoạch để sớm đưa vào khai thác.
Thùy Dương ghi
Bình luận (0)