xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giám sát chặt khi đầu tư công cao tốc Bắc - Nam

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng thuận chuyển 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông sang đầu tư công nhưng cần giám sát chặt để tránh tình trạng đội vốn, chậm tiến độ và tiêu cực

Sáng 9-6, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.

"Bơm" nguồn lực cho nền kinh tế

Chính phủ trình QH thông qua phương án điều chỉnh hình thức đầu tư đối với các dự án thành phần. Theo đó, tiếp tục triển khai 3 dự án thành phần đầu tư công (gồm các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) theo Nghị quyết 52/2017/QH14 và 5 dự án thành phần theo phương thức đối tác công - tư (PPP) (gồm các đoạn Quốc lộ (QL) 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo). Chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang sử dụng 100% vốn công đối với 3 dự án thành phần, gồm: 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và 2 dự án quan trọng, cấp bách, kết nối với cửa ngõ các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước (gồm đoạn Mai Sơn - QL 45 dài 63 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km).

Về điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn, tổng mức đầu tư của dự án là 100.816 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án là 78.461 tỉ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách là 22.355 tỉ đồng.

Theo đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), giải ngân đầu tư công đang rất chậm. Việc chuyển 3 dự án thành phần sang đầu tư công để "bơm" nguồn lực, tạo động lực, sức sống cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, ĐB Nghĩa đề nghị trong Nghị quyết của QH ghi rõ phải sớm hoàn chỉnh Luật PPP để tạo điều kiện cho các dự án còn lại theo PPP, để kêu gọi đầu tư. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cũng ủng hộ quan điểm chuyển 3 dự án sang đầu tư công, nâng tổng số 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là đầu tư công, để đẩy nhanh quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng vì vấn đề hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn rất lớn. "Đôi lúc chỉ định thầu tốt hơn là đấu thầu, nhưng phải minh mạch. Trong đấu thầu cũng phải tăng cường giám sát. Có như vậy mới tạo ra được công trình chất lượng" - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

ĐB Phan Việt Cường (Quảng Nam) đề nghị Chính phủ cần có phương án đánh giá về chất lượng công trình sau khi chuyển sang đầu tư công vì cần rút kinh nghiệm từ những sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Giám sát chặt khi đầu tư công cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng SơnẢnh: NGUYỄN Ý

Không lý do gì để chậm trễ nữa!

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng dự án dự định đầu tư theo hình thức PPP nhưng không DN nào quan tâm thì cần chuyển thành đầu tư công bởi nếu không chuyển đổi thì đứt gãy dự án. Trong trường hợp do vướng vấn đề cơ chế… thì cần cân nhắc.

Riêng về trường hợp chuyển đổi toàn bộ 3 dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông từ đầu tư PPP sang đầu tư công, ĐB Hoàng Văn Cường đặt vấn đề: "Sau khi chuyển đầu tư bằng toàn bộ ngân sách nhà nước sẽ thiếu hụt 23.000 tỉ đồng so với phân bổ ban đầu. Vậy điều này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau hay không?".

Có góc nhìn khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mang lại nhiều lợi ích lớn: 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch, văn hóa…, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nước nào muốn phát triển đều phải làm đường cao tốc rất nhanh. Đơn cử như Trung Quốc, trung bình 3 năm qua chỉ một tỉnh như Vân Nam hay Quảng Tây làm hơn 2.000 km đường cao tốc trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400 km; hiện vẫn còn hơn 1.300 km đường cao tốc chưa làm, mà lẽ ra với quyết tâm và nguồn lực từ cách đây hàng chục năm đã làm xong.

"Đi từ Vinh (Nghệ An) 300 km ra Hà Nội mất 6 giờ, làm sao có giá thành cạnh tranh, làm sao hội nhập? Phải nhìn từ yêu cầu đất nước, phải thay đổi và từ cốt lõi của nền kinh tế, nên cần phải làm, làm sớm và không còn lý do gì để chậm trễ nữa, đừng bàn chủ trương gì nữa. Chủ trương đã có, quy hoạch có, tiền cũng không là vấn đề gì" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

10 luật quy định liên quan đến hộ khẩu

Cùng ngày, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, QH thảo luận tại tổ về Luật Cư trú (sửa đổi). Nội dung được nhiều ĐB quan tâm, thảo luận là hướng tới bỏ sổ hộ khẩu, quản lý bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

ĐB Phan Thị Bình Thuận (TP HCM) cho biết theo rà soát của Bộ Công an, hiện có khoảng 178 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 10 luật quy định liên quan đến hộ khẩu. "Khi QH thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) thì cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, quy định có liên quan về sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú..., tránh ảnh hưởng đến quyền người dân khi thực hiện các giao dịch. Bộ Công an thực hiện rốt ráo để hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, cấp số định danh cho công dân" - ĐB Phan Thị Bình Thuận nhấn mạnh.

Trong khi đó, ĐB Dương Ngọc Hải (TP HCM) kiến nghị rà soát, sửa đổi các quy định để đồng bộ với Luật Cư trú. Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú phải đồng bộ từ trung ương đến địa phương, giữa các ngành để phát huy hiệu quả trong công tác quản lý và tạo thuận lợi cho người dân.

ĐB Dương Ngọc Hải cũng nhắc đến việc khi thực thi Luật Căn cước công dân thì đến năm 2020 sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng đến nay lại gia hạn đến tháng 6-2021, điều đó cho thấy không ít thách thức trong quá trình thực hiện việc bỏ sổ hộ khẩu hướng tới quản lý bằng mã số định danh.

Đánh giá việc dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bỏ sổ hộ khẩu là một bước tiến mới trong quản lý về dân cư, cư trú, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khẳng định hiện có ít nhất 27 loại thủ tục mà khi người dân đi làm phải mang theo sổ hộ khẩu giấy. Bỏ sổ hộ khẩu là mong mỏi từ lâu của người dân, bảo đảm quyền tự do cư trú cho người dân. Tuy nhiên, vị ĐB cũng đặt vấn về khó khăn trong quá trình thực thi ở giai đoạn đầu bởi hiện nay ở cấp xã, lực lượng công an còn bán chính quy, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ còn bất cập. Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa tin tưởng với lộ trình mà Bộ Công an đề ra, những khó khăn này sẽ sớm được khắc phục.

M.Chiến

Truong Trong Nghia - TP Ho Chi Minh

ĐB Trương Trọng Nghĩa:

Tránh thông thầu, tiêu cực

Trong 3 dự án này, tôi đề nghị quan tâm, chỉ đạo sâu sát, tránh chuyện thông thầu hay những tiêu cực trong vấn đề đấu thầu, dẫn tới một số nhà thầu không đủ năng lực lại được thực hiện dự án. Có thể tạo điều kiện để các nhà thầu trong nước liên kết với nhau. Người dân rất quan tâm và ủng hộ việc chuyển toàn bộ sang kêu gọi đầu tư trong nước. Ba dự án này đề nghị ưu tiên chọn đấu thầu, cho phép các nhà đầu tư có thể liên kết với nhau rồi ta giám sát chặt chẽ để làm hình mẫu trong đầu tư công. Nếu chỉ định thầu mang tính hợp lý, tối ưu cao thì cũng không nên loại trừ. Nhưng không để tình trạng chạy chọt rồi cuối cùng thành vụ án...


Do Van Sinh - Quang Tri

ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH:

Chuyển đầu tư công chưa chắc tiến độ nhanh hơn

Nhà nước cần làm những gì khó khăn mà doanh nghiệp không làm được, còn lại nên ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh QH đang xây dựng và phê chuẩn Luật PPP, việc Chính phủ nêu lý do khó huy động vốn nhưng thực tế cho thấy đã có 19 nhà đầu tư và đều cam kết vào được.

Chính phủ cho rằng chuyển đầu tư công tiến độ sẽ nhanh hơn, giải ngân tốt hơn nhưng tôi rất khó tin, bởi có chuyển sang cũng không thể nhanh thế được. Trong khi còn có 3 tháng thì giải ngân được bao nhiêu, chẳng qua ký hợp đồng xong. Chưa kể xảy ra hệ lụy là vai trò uy tín của nhà nước, đấu thầu quốc tế 2 lần hủy, nhiều nhà đầu tư tâm tư, nếu ta làm như vậy liệu có giải quyết được vấn đề hay không?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo