xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đề nghị bắt buộc khai báo y tế toàn dân

Ngọc Dung

Trước tình hình biến thể virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, ít xuất hiện triệu chứng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề nghị Chính phủ quy định bắt buộc khai báo y tế toàn dân

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 vào ngày 3-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh công tác chống dịch phải chạy đua từng giờ, từng phút với quyết tâm rất cao để bảo đảm an toàn cho người dân trong dịp Tết.

Nỗ lực để người dân đón Tết an toàn

Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Hải Dương khẳng định đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Kể từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên (ngày 27-1), đến hôm nay là ngày thứ 8, Hải Dương ghi nhận tổng cộng 240 ca mắc Covid-19. Ổ dịch chính được xác định là Công ty Poyun, hơn 150 ca.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh đến thời điểm hiện tại, ổ dịch ở sân bay Vân Đồn đã được kiểm soát. Quảng Ninh đã truy vết hơn 74.000 trường hợp và ghi nhận 42 ca dương tính, nhiều ca bệnh được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc. Địa phương này đặt mục tiêu tới ngày 28 Tết sẽ khoanh vùng được tất cả các ổ dịch, không có bệnh nhân tử vong trên địa bàn.

Đề nghị bắt buộc khai báo y tế toàn dân - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hàng ngàn học sinh trên địa bàn TP Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG

Trong số 21 ca Covid-19 trong cộng đồng, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết đáng lo ngại nhất là ca bệnh 1883 (nam công chứng viên mắc Covid-19 ghi nhận ngày 2-2). Với ca bệnh này đã xác định được 22 trường hợp F1. Trường hợp này cũng có lịch trình di chuyển khá phức tạp, đến một số địa phương khác. Ngoài ra, hơn 650 trường hợp F1 đã được xét nghiệm và cách ly tập trung thì các trường hợp F2 cũng được cách ly tại nhà…

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng cho biết TP Hà Nội đã nâng cao thêm 1 mức công tác phòng chống dịch; tạm dừng một số hoạt động không cần thiết (quán bar, vũ trường, quán game, internet…); điều chỉnh quy mô lễ hội; yêu cầu lực lượng công an xử lý tất cả các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; tập trung lấy mẫu và xét nghiệm tất cả trường hợp F1, F2.

Đến thời điểm hiện nay, ổ dịch ở Vân Đồn đã kiểm soát được, ổ dịch ở Chí Linh đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt. Ở Hà Nội đã làm rất tích cực, rất sớm nên đã xét nghiệm hơn 17.000 mẫu của những người về từ vùng dịch TP Chí Linh (Hải Dương).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương phải làm tốt công tác cách ly. Việc phong tỏa là kiểm soát được người đi ra ngoài và cả người bên trong. Nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, Phó Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta muốn an toàn trong trạng thái bình thường mới thì phải sẵn sàng. Một trong những biện pháp là phải khai báo y tế. Các doanh nghiệp cung cấp mạng viễn thông sẽ nhắn tin cho các thuê bao đi từ vùng dịch ra yêu cầu phải khai báo y tế".

Không đeo khẩu trang: Phạt nặng!

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh hiện đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng; chú trọng phong tỏa nhiều lớp, truy vết tất cả trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.

Các tỉnh, TP đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước. "Cần xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 và vừa thực hiện truy vết đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại khu vực lây nhiễm cộng đồng. Sau khi có kết quả xét nghiệm mới tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả trường hợp đều âm tính" - Ban Chỉ đạo yêu cầu.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo mạnh mẽ, yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu… Theo phân tích đặc điểm tình hình đợt dịch này của Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19, các trường hợp lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc gần (tiếp xúc trong gia đình, không gian kín); chu kỳ xoay vòng nhanh (3-4 ngày); tải lượng virus cao (lây nhanh hơn, nồng độ virus mạnh hơn). Đáng chú ý các trường hợp lây nhiễm đều không đeo khẩu trang…

Nhấn mạnh giải pháp đeo khẩu trang là an toàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tất cả địa phương phải xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Các địa phương phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm tất cả cơ sở y tế, trường học, nơi lưu trú, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, phương tiện giao thông công cộng, xe khách liên tỉnh… Đặc biệt, những nơi bán hàng Tết, chợ hoa Tết phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Cảnh giác cao vì 80% ca bệnh không triệu chứng

Trước đó, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết qua phân tích 240 bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch bùng phát thời điểm này đã phát hiện có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân. Trong số các bệnh nhân trong đợt dịch mới này chỉ có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân phải thở ôxy, 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng. "Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc phát hiện sớm, sàng lọc bệnh nhân Covid-19" - PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhận định.

Theo các chuyên gia, các triệu chứng của người mắc Covid-19 thường là sốt, ho khan, mệt mỏi, có một số người gặp thêm triệu chứng đau nhức, đau họng, tiêu chảy, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác… Nếu người bệnh mắc Covid-19 lại không triệu chứng thì dễ chủ quan, không tự phòng dịch cho bản thân và người khác. Đơn cử, ca bệnh mới nhất tại Gia Lai, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai khám và đã đi qua một vài khoa nhưng do không hề có dấu hiệu của Covid-19 mà chỉ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Lúc này, sau khi khai thác tiền sử bệnh nhân, biết bệnh nhân đi từ vùng dịch về, các bác sĩ mới yêu cầu bệnh nhân quay lại phòng cách ly. PGS-TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu tất cả bệnh viện phải khai thác kỹ tiền sử dịch tễ của người bệnh đến khám trước khi phân luồng, chỉ định bệnh nhân đi khám bệnh, không đợi bệnh nhân ho, sốt, khó thở mới phân luồng vào khu cách ly.

Sau khi phân tích đặc điểm ca bệnh Covid-19 trong đợt dịch lần này có tải lượng virus cao, chu kỳ xoay vòng nhanh, Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả người đi qua vùng dịch và đi từ vùng dịch về phải khai báo y tế. Những đối tượng trốn khai báo y tế phải xử lý nghiêm. Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Chính phủ quy định bắt buộc khai báo y tế toàn dân. 

Gia Lai: Quân đội lập 2 điểm cách ly tập trung

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn… Đây là khu vực cũng chưa bao giờ xảy ra dịch, nên ít kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu. Hiện Bộ Y tế đã cử các đoàn công tác chống dịch vào cắm chốt tại Gia Lai. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai. Hiện lực lượng quân đội đã tổ chức 2 địa điểm cách ly tập trung tại Gia Lai.

329 ca lây nhiễm trong cộng đồng

Bộ Y tế cho biết trong ngày 3-2, cả nước phát hiện thêm 29 ca mắc Covid-19, trong đó 1 ca bệnh nhập cảnh được cách ly ngay. Các ca mắc mới được phát hiện tại Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Hà Nội, Bình Dương và 1 ca nhập cảnh cách ly ngay tại Quảng Nam. Tính từ ngày 28-1 đến chiều 3-2 đã có 329 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở 10 tỉnh, thành. Đa số các ca mắc ở Hải Dương (240 ca), Quảng Ninh (42 ca), Hà Nội (21 ca), Gia Lai (14 ca), Bắc Ninh (3 ca), Hòa Bình (2 ca), Bình Dương (4 ca), Hải Phòng (1 ca), TP HCM (1 ca), Bắc Giang (1 ca).

Chiều 3-2, trong chuyến làm việc tại tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh Gia Lai phải mua thêm máy xét nghiệm lắp đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Chủ động thành lập các bệnh viện dã chiến là Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa và Trung tâm Điều trị chất lượng cao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo