Chiều 13-10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và 4 tại TP HCM trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Cùng tham gia buổi tiếp còn có Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Phan Nguyễn Như Khuê; Chính ủy Bộ Tư lệnh TP, Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa; Phó Bí thư Quận ủy Bình Thạnh Lâm Đình Thắng. Cử tri TP đã gửi gắm nhiều vấn đề "nóng" hiện nay như nạn tham nhũng, trạm thu phí BOT, vụ án VN Pharma…
Tiền đâu quan chức sắm biệt thự?
Cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 1) đề nghị Luật Phòng chống tham nhũng cần có định chế kiểm soát tài sản đối với lãnh đạo cấp cao. Vì hiện nay, người dân muốn giám sát qua kê khai tài sản rất khó. "Đưa danh sách tài sản của quan chức lên website thì dân mới giám sát được". Bà Lợi đặt vấn đề: "Nhiều lãnh đạo cấp quận, huyện nhưng có nhiều biệt thự, con cái đi học nước ngoài. Nếu chỉ tiền lương thì làm sao được vậy? Tôi nghĩ cần xem lại Luật Phòng chống tham nhũng".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu tiếp xúc cử tri TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Đề cập đến trạm thu phí BOT, cử tri Dương Thị Mỹ Dung (quận 4) phản ánh các trạm BOT hoạt động không minh bạch đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. "Giá vé cao, đặt sai vị trí, Quốc hội cần có tiếng nói với Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này" - bà Dung kiến nghị. Còn cử tri Lý Ngọc (quận 3) quan tâm đặc biệt đến vụ án VN Pharma. "Thuốc làm ra phải rõ nguồn gốc, chất lượng nhưng trong vụ án này lại không minh bạch. Giấy tờ không hợp lệ mà vẫn qua mặt hội đồng tư vấn, vẫn được cấp giấy phép nhanh, qua nhiều cấp... như thế là khác thường" - bà Ngọc nói. Bà Ngọc đề nghị thanh kiểm tra những cơ quan có liên quan trong việc cấp phép cho VN Pharma.
Thanh tra toàn diện các dự án BOT
Chủ tịch nước đã dành gần 1 giờ trả lời các vấn đề mà cử tri nêu ra. Trước yêu cầu được giám sát tài sản quan chức của cử tri, Chủ tịch nước thông tin Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) đã bổ sung quy định kê khai tài sản, trách nhiệm phải giải trình tài sản mình có. "Tham nhũng được coi là quốc nạn. Trung ương chỉ đạo rất kiên quyết và triển khai nhiều giải pháp, bước đầu có kết quả tích cực và đáng khích lệ" - Chủ tịch nước cho biết. Chủ tịch nước cũng cho hay trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản; kêu gọi nhân dân cùng vào cuộc phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Cán bộ càng cao nếu vi phạm thì xử lý càng nặng. Những người chủ mưu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội hoặc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm. Những người tự nguyện khắc phục hậu quả sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt".
Liên quan đến câu chuyện thu phí và đặt trạm thu phí BOT, Chủ tịch nước khẳng định chủ trương đầu tư các dự án giao thông BOT là đúng đắn, giảm bớt gánh nặng ngân sách. Nhưng rất tiếc việc lựa chọn các dự án đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý, việc lập thẩm định và phê duyệt dự án còn có vấn đề và có sai sót. Trong đó có những dự án thiết kế thiếu minh bạch, việc thu phí chưa hợp lý dẫn đến bức xúc trong dư luận. "Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, thanh kiểm tra toàn bộ dự án BOT, tiến hành hoàn thiện các chính sách để khắc phục các hạn chế yếu, kém; đồng thời bổ sung chế tài xử lý đối với nhà đầu tư chậm quyết toán, quy trách nhiệm của nhà đầu tư không bảo đảm chất lượng công trình. Hạn chế tối đa chỉ định thầu" - Chủ tịch nước nêu.
Riêng các dự án đã phát hiện ra sai sót, Chủ tịch nước cho biết sẽ tập trung giải quyết các tồn đọng, yếu kém; kiểm điểm xử lý nghiêm túc của các cá nhân, đơn vị liên quan.
Trước chia sẻ chưa hài lòng của cử tri về phiên tòa xét xử vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư giả, Chủ tịch nước nói: "Dư luận chưa đồng tình với bản án tòa tuyên. Nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên các cơ quan chức năng đã yêu cầu xét xử lại vụ án. Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra toàn diện việc cấp phép việc cho phép nhập khẩu các loại thuốc này. Từ đó làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân và công khai đến toàn thể nhân dân".
Metro 1 chậm tiến độ do tắc phân bổ vốn
Tại buổi tiếp xúc, liên quan đến dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hiện đang chậm vì thiếu vốn, nhiều cử tri đề nghị 2 bộ KH-ĐT và Tài chính khẩn trương hoàn tất thủ tục để trình Quốc hội thông qua. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, cho biết riêng tuyến metro số 1 (dự kiến đưa vào sử dụng năm 2020), có tổng mức đầu tư 47.000 tỉ đồng (điều chỉnh năm 2008). Từ năm 2012 đến 2015, việc phân bổ vốn theo tiến độ dự án và cam kết với Nhật diễn ra bình thường nhưng từ năm 2016 thì bị tắc. Ngày 23-6 vừa qua, Thủ tướng làm việc với TP và sau đó đã có kết luận về việc tạm ứng vốn trung hạn cho năm 2017 và yêu cầu bộ này báo cáo trước ngày 30-7. Tuy nhiên đến nay, Bộ KH-ĐT vẫn chưa thực hiện.
T.ĐỒNG
Bình luận (0)