xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ 3 thiếu trung thực

Bảo Trân

(NLĐO)- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chiều 5-9 cho biết năm 2016 cả nước có hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, trong đó xác minh có 3 trường hợp thiếu trung thực, gồm cán bộ cao cấp ở Yên Bái và Đồng Nai.

Hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ 3 thiếu trung thực - Ảnh 1.

Phiên họp của Uỷ ban Tư pháp

Chiều nay 5-9, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội đã họp phiên toàn thể cho ý kiến dự thảo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2017.

Trình bày dự thảo báo cáo PCTN, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn cho biết năm 2016, cả nước có 1.113.422 người kê khai tài sản, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong đó có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập (bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công Thương, TP Hà Nội, tỉnh Yên Bái và Đồng Nai).

Đáng chú ý TTCP chỉ rõ qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao ở các tỉnh Đồng Nai, Yên Bái.

Báo cáo cũng cho biết năm 2017, có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với 9 người, hay An Giang 4 người, Hậu Giang 3 người, Bộ Tài chính 2 người…

Tuy nhiên, TTCP cũng nhìn nhận quá trình triển khai xử lý người đứng đầu nơi xảy ra tham nhũng vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận.

Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỉ đồng, đã thu hồi, kê biên 158,8 tỉ đồng, 314 nghìn USD, 4 căn nhà, 1 căn hộ chung cư. Tổng Cục thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương đương với số tiền hơn 5.110 tỉ đồng, đã giải quyết xong 86 vụ việc, tương đương với số tiền hơn 1 nghìn tỉ đồng.

Qua hơn 5.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 190.000 cuộc thanh tra chuyên ngành đã được triển khai, ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm hơn 34.000 tỉ đồng, hơn 5.800 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 19.500 tỉ đồng và trên 5.000 ha đất.

Cơ quan thanh tra cũng yêu cầu xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 14.700 tỉ đồng, 729 ha đất; quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 3.180 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ, 176 đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý tài chính gần 40.000 tỉ đồng.

Báo cáo cũng cho hay qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan tổ chức đơn vị, đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm về PCTN như: còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.

Một trong những biện pháp được Chính phủ đề nghị là "hoàn chỉnh dự án luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, luật Tố cáo sửa đổi trình Quốc hội khóa XIV, xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch".

Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm sẽ tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ…

"Kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội" - ông Đặng Công Huẩn cho biết.

Thẩm tra bước đầu báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa thực sự hiệu quả.

Đáng nói nhất là biện pháp kiểm soát tài sản hiệu quả thấp, số lượng bản kê khai tài sản nhiều nhưng số lượng phải xác minh, số đối tượng bị xem xét trách nhiệm vì kê khai không trung thực rất ít, còn những trường hợp gây hoài nghi trong dư luận như tài sản của ông Phạm Sỹ Quý - giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái.

Việc tặng quà, lợi dụng tặng quà để hối lộ vẫn chưa kiểm soát được. Điển hình, tại vụ án OceanBank đang xét xử, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai trong 5 năm đã dùng 200 tỉ đồng làm quà tặng.

Ông Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh thẳng thắn đánh giá: "Đội quân chống tham nhũng không hiệu quả bằng một phóng viên. Chúng ta đi thanh tra kiểm tra ở đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ô tô, còi hú nhưng có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không. Ta phải so sánh như thế về tính hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng".

Dẫn ví dụ trong báo cáo giám sát các công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT của Uỷ ban Kinh tế công bố vừa qua, ông Bộ nói: "Báo cáo này không chỉ ra trách nhiệm của Bộ Ngành nào cả. Không phải là anh không tìm ra được mà anh không chỉ ra được đáp số. Như vậy là mất thế trận lòng dân. Nguy hiểm ở chỗ giờ có cán bộ nào bị phát hiện tham nhũng là dân mừng vui. Giờ phải nhìn rõ vào sự thật, nói thẳng sự thật, không né tránh thì mới chống được tham nhũng".

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị công khai các kết luận thanh tra, đấu thầu để người dân, cộng đồng tham gia vào giám sát việc phòng chống tham nhũng.

"Việc công khai kết luận thanh tra rất cần thiết để đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nhưng nhiều ý kiến lại e ngai công khai kết luận thanh tra sẽ làm tình hình phức tạp. Không công khai sao người dân, cộng đồng giám sát được. Cái này luật đã quy định rồi, cần phải cần phải có chỉ đạo mạnh hơn trong thời gian tới"- ông Thực nói.

Dự báo 2018 tham nhũng giảm

Cũng theo báo cáo của TTCP, năm 2017 có hơn 1,2 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTN với hơn 17 nghìn lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN được tổ chức và trên 135 nghìn cuốn sách, tài liệu về PCTN được phát hành.

"Tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm. Sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong PCTN, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân, có tác dụng răn đe rõ rệt; vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia PCTN" - Phó Tổng thanh tra nhận định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo