Ngày 28-6, Quận ủy quận 7 tổ chức Hội thảo khoa học Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đua đặt vấn đề không gian đô thị TP HCM đang mở rộng, các nhà máy ở Khu chế xuất Tân Thuận với công nghệ cách đây 20, 30 năm đã trở nên lạc hậu, trong khi đó trình độ công nghệ của các khu công nghiệp ở địa phương bạn đã phát triển cao. Khu chế xuất Tân Thuận cần định hình lại một cách cơ bản. Điều này góp phần để TP HCM giữ vững và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế phía Nam và của đất nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Đua đóng góp ý kiến
Ông Nguyễn Văn Đua cho rằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu quy hoạch đô thị Cảng Hiệp Phước (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) là 2 nhân tố quan trọng tác động đến việc tạo nên diện mạo mới, vai trò mới của Khu chế xuất Tân Thuận.
Theo ông Nguyễn Văn Đua, nếu Khu chế xuất Tân Thuận được thay đổi về chất để cùng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Thủ Thiêm với tư cách một trung tâm dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu "đến làm việc, sáng tạo ở Thủ Thiêm và sinh sống ở Tân Thuận" thì khi đó những nhà máy tại đây sẽ được dịch chuyển, nhường chỗ cho các trường học, bệnh viện, nhà hát, trung tâm thương mại, khách sạn… có chất lượng, đạt trình độ châu Á và thế giới. Đây mới là diện mạo, vai trò mới, đóng góp mới của Khu chế xuất Tân Thuận.
Cụ thể, nhiều nhà máy của Khu chế xuất Tân Thuận có thể dịch chuyển đến các khu công nghiệp khác ở trong TP HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ở giai đoạn 2, 3 thì Khu công nghiệp Hiệp Phước có đủ diện tích để tiếp nhận hạ tầng đồng bộ về cảng, về logistics, về khu lưu trú công nhân. Đều quan trọng nhất là phải có chủ trương hình thành Khu đô thị Hiệp Phước chứ không chỉ dừng lại là một khu công nghiệp…
Hội thảo khoa học Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
PGS-TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP HCM, cho rằng quận 7 cần xem lại cơ cấu công nghiệp.
"Là quận nội thành thì có thể ngưng không phát triển công nghiệp, trước tiên là tạm ngưng không cho thành lập mới các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, các nhà máy sản xuất, chế biến, sửa chữa công nghiệp và vận tải biển... Nên có lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp hiện nay ra các khu công nghiệp ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận" – PGS-TS Trương Thị Hiền nói.
Theo PGS- TS Trương Thị Hiền, Khu chế xuất Tân Thuận cũng cần có kế hoạch và lộ trình chuyển đổi dần các ngành sản xuất công nghiệp gia công, lắp ráp sang các ngành công nghệ cao, tự động hóa để hạn chế tối đa sử dụng công nhân lắp ráp, gia công.
"Về lâu dài, quận nên tính đến phương án chuyển đổi toàn bộ Khu chế xuất Tân Thuận thành các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất các sản phẩm mới công nghệ cao như các ngành tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, robot, sản xuất phần mềm" - PGS-TS Trương Thị Hiền nói.
Trong phần chia sẻ của mình, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo cũng cho rằng quận 7 cần kiến nghị thành phố xem xét mô hình Khu chế xuất Tân Thuận theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ để nơi đây là nơi sản xuất những sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, từng bước giảm cơ sở sản xuất thâm dụng lao động và khuyến khích có thêm những dịch vụ cao cấp.
Quận 7 phải phát huy lợi thế sông, biển
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao việc Quận ủy quận 7 đã chủ động phối hợp với Học viện Cán bộ TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học này. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh kết quả của Hội thảo sẽ là thu hoạch rất lớn không chỉ cho quận 7 mà cho cả TP HCM, nhất là khi TP đang rà soát, cập nhật lại quy hoạch chung và xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, quận 7 có thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường thủy. "Nếu như chiến lược phát triển cảng biển của chúng ta tốt thì chúng ta sẽ tiếp cận mặt tiền biển thuận lợi nhất, khai thác được những lợi thế từ mặt tiền biển này" – ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng thành phố, đặc biệt là quận 7, có lợi thế về sông nước. Từ đó, cần nhìn nhận lợi thế này để gia tăng thêm nội lực, tạo thêm sự hấp dẫn để quận 7 trở thành một điểm đến toàn cầu.
"Trong mục tiêu mà chúng ta phấn đấu là đưa TP HCM trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới thì quận 7 sẽ chia bao nhiêu thị phần của điểm đến hấp dẫn đó với thành phố?" – Chủ tịch UBND TP HCM nêu vấn đề. Theo ông Phan Văn Mãi, để thực hiện được mục tiêu đưa TP HCM trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới, quận 7 phải đánh giá lại lợi thế sông, biển của mình; gia tăng nội lực; tạo sự hấp dẫn cho chính địa phương.
Từ đó, ông Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu phân tích sâu, đặt quận 7 trong không gian phát triển rộng lớn hơn chứ không chỉ trong khu Nam và trong TP HCM.
Tầm nhìn đến năm 2045 của quận 7
Từ nay đến năm 2045, quận 7 tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng xây dựng địa phương này trở thành quận dịch vụ, công nghiệp hiện đại, phát triển mạnh kinh tế số, chính quyền số, xã hội số; hướng tới trở thành một trong các trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại, du lịch, khoa học – công nghệ gắn với giáo dục, y tế, thể dục thể thao chất lượng cao.
Cùng với đó, phát triển quận 7 bền vững, chất lượng cuộc sống nâng tầm cao mới, xứng tầm và giữ vững khu vực trọng yếu phía Nam Thành phố, phù hợp xu thế phát triển chung của TP, không còn khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bình luận (0)