Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Đắk Nông vào ngày 4-4 để đánh giá tình hình thực hiện các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin tại Tây Nguyên.
Hiệu quả ngoài dự kiến
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) thông tin dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (alumin Tân Rai) có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng. Từ tháng 10-2013 đến hết năm 2018, dự án này đã sản xuất được hơn 3 triệu tấn alumin. Sản phẩm tiêu thụ thuận lợi với 97% được xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc… Doanh thu 3 năm đầu dự án bị lỗ theo kế hoạch, từ năm 2017 đến nay dự án đã có lãi. Đặc biệt, năm 2018 lãi lên đến 1.700 tỉ đồng.
Tương tự, dự án nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) có công suất thiết kế tương tự Tân Rai nhưng tổng mức đầu tư gần 17.000 tỉ đồng. Kết thúc năm 2018, sản xuất hơn 655.000 tấn alumin, tương đương 102,43% kế hoạch năm, vượt mức công suất thiết kế, doanh thu đạt trên 6.400 tỉ đồng. Riêng quý I/2019, nhà máy đạt công suất trên 162.000 tấn alumin và dự kiến quý II/2019 sẽ sản xuất đạt khoảng 173.000 tấn alumin. "Mặc dù theo kế hoạch dự án này lỗ trong 5 năm đầu đi vào hoạt động nhưng ngay năm đầu tiên đã có lãi" - đại diện Tập đoàn TKV nhấn mạnh.
Tuy đang có những bước thuận lợi nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc TKV, đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính giữ nguyên mức thuế xuất khẩu 2% như hiện nay (Bộ Tài chính đang dự kiến tăng thuế xuất khẩu alumin và hydroxit nhôm từ 2% hiện nay lên 5%). Nguyên nhân là 2 dự án Nhân Cơ và Tân Rai đang trong giai đoạn hoàn trả vốn vay đầu tư, nếu tăng thuế xuất khẩu sẽ dẫn đến rủi ro về hiệu quả kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (thứ hai, từ phải qua) thị sát khu vực khai thác quặng của dự án nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ
Nên mở cửa cho các nhà đầu tư khác
Trên cơ sở kết quả và tình hình triển khai 2 dự án trên, TKV kiến nghị với Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ "Báo cáo tổng kết, đánh giá đầu tư thí điểm 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ" và các cơ quan cấp trên để sớm thông qua báo cáo tổng kết, từ đó làm cơ sở định hướng đầu tư phát triển các dự án khai thác, chế biến bauxite, alumin, nhôm tại Tây Nguyên. Đồng thời, tiếp tục giao TKV làm nòng cốt để phát triển công nghiệp bauxite, alumin và nhôm tại vùng Tây Nguyên. Riêng 2 dự án Tân Rai, Nhân Cơ, TKV đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng công suất lên 4 triệu tấn alumin/năm.
Ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, cho rằng 2 nhà máy alumin bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Theo ông Diễn, mặc dù Bộ Chính trị xác định sau năm 2020 mới phát triển ngành công nghiệp nhôm nhưng hiện nay tỉnh Đắk Nông đã và đang xây dựng nhà máy nhôm nên đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ quan tâm để sớm hoàn thành nhà máy, tạo chuỗi giá trị kinh tế. Tuy nhiên, ông Diễn đề xuất thêm khi đánh giá hiệu quả 2 dự án thì không chỉ đơn thuần là hiệu quả về mặt kinh tế mà còn phải gắn vào hiệu quả xã hội mới phát triển lâu dài, bền vững.
Giải đáp thắc mắc trên, TKV cho hay 2 dự án mặc dù có xảy ra một vài sự cố nhỏ như sạt lở đê phụ hồ chứa quặng đuôi ở dự án Tân Rai; vỡ cổ ống đẩy máy bơm kiềm ở dự án Nhân Cơ… nhưng đã được TKV xử lý kịp thời, không gây thiệt hại về vật chất và môi trường; không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, đã xây dựng một số công trình phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường.
Trước thực trạng các dự án dần phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, kiến nghị mạnh dạn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào chuỗi sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế để không phải xuất thô alumin như hiện nay.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói việc đánh giá hiệu quả không chỉ đơn thuần dựa trên tiêu chí kinh doanh mà còn phải bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường, có cái nhìn chiến lược và bền vững. Bước đầu có lãi nhưng phải tính tới phương án tự chủ của dự án, tính đến yếu tố thị trường.
"Những thành công bước đầu của dự án bauxite và hình thành chuỗi sản xuất nhôm là thực hiện đúng với quan điểm của Bộ Chính trị là tăng giá trị gia tăng trong công nghiệp khai khoáng. Do đó, Bộ Công Thương đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành báo cáo tổng kết, đánh giá thí điểm 2 dự án để báo cáo Chính phủ và Quốc hội, làm cơ sở tiếp tục nâng công suất 2 dự án và mở rộng đầu tư khai thác bauxite, ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Muốn sớm trả lại đất sau khai thác mỏ
Đối với vấn đề sử dụng đất sau khai thác mỏ, TKV đề nghị cho phép doanh nghiệp trả lại đất cho địa phương sau khi hoàn thổ, thay cho việc doanh nghiệp phải thuê đất theo đời dự án (30 năm) để địa phương giao lại cho người dân canh tác, phát huy giá trị sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư.
Bình luận (0)