Là cửa ngõ kết nối liên vùng giữa TP HCM với tỉnh Long An, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng giao thông khu vực phía Tây Nam TP HCM nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều tuyến đường huyết mạch nơi đây thường ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông cao.
Xuống cấp và chật hẹp
Nằm sát KCN Vĩnh Lộc, 7 năm qua, nút giao ngã 5 Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi buổi chiều tan tầm. Ba con đường chính dẫn đến nút giao gồm đường Võ Văn Vân, Nguyễn Thị Tú, Vĩnh Lộc đều nhỏ hẹp nhưng phải gánh lượng phương tiện tăng nhanh mỗi ngày dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên.
Có tiệm tạp hóa ngay mặt tiền đường Vĩnh Lộc nhưng cứ tầm 17 giờ đến 18 giờ là ông Nguyễn Tấn Hùng chỉ biết ngồi... đuổi ruồi! "Không bán buôn gì được, cứ chiều đến là ùn tắc, học sinh tan trường, công nhân tan ca dù ngày nào cũng có CSGT, thanh niên xung phong và cả công an xã, dân quân nhưng xe vẫn ùn, nếu không có lực lượng điều tiết thì ùn tắc kéo dài cả giờ" - ông Hùng thở dài. Ông cho hay tình trạng quá tải phương tiện đã khiến con đường xuống cấp nhanh chóng dù liên tục được dặm vá. "Tuyến đường này không chỉ kết nối giao thông giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh mà còn kết nối liên vùng với tỉnh Long An. Do đó, việc ùn tắc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân cũng như lưu thông hàng hóa" - ông Húng nói.
Quốc lộ 1, đoạn gần cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP HCM) chưa kịp mở rộng nên thường ùn tắc trong các dịp lễ, Tết
Tương tự, tuyến Quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp tỉnh Long An) thường xuyên ùn tắc vào những giờ cao điểm do đoạn đường hẹp so với các đoạn đã được mở rộng. Ông Bảy (chạy xe ôm nút giao An Lạc) lắc đầu nói: Nguy hiểm lắm bởi phương tiện từ các tỉnh miền Tây đổ dồn về TP đều phải đi qua đoạn này, do đoạn đường hẹp nên xe máy thường trộn dòng xe tải rất dễ xảy ra tai nạn. Tuyến Quốc lộ 50 (đoạn từ cầu giáp ranh quận 8 đến xã Đa Phước) cũng thường xuyên ùn tắc do lượng phương tiện đông đúc nhưng bề ngang đường nhỏ hẹp chỉ 10 - 11 m, nhiều xe máy buộc phải trộn dòng với xe tải.
Đường Trần Văn Giàu, tuyến đường chính kết nối liên vùng TP HCM với Long An đi qua huyện Bình Chánh thường xuyên bị nghẽn ở 2 nút giao Vĩnh Lộc - Láng Le Bàu Cò - Võ Hữu Lợi - Trần Văn Giàu và nút giao Cầu Xáng - Trần Văn Giàu - Thanh Niên - Mai Bá Hương. Hai nút giao này cách nhau khoảng 2 km nhưng là điểm nóng nhiều năm qua bởi lưu lượng phương tiện đông, dòng phương tiện thường xung đột mỗi khi xe rẽ trái, rẽ phải...
Nhìn nhận hạ tầng giao thông cửa ngõ phía Tây Nam còn nhiều hạn chế, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh, cho biết không chỉ các tuyến đường chính như Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 thường xuyên ùn tắc mà nhiều tuyến khác cũng lâm vào tình trạng tương tự như trục đường Đinh Đức Thiện (đoạn từ Quốc lộ 1 đến ranh Long An), trục đường Chánh Hưng (đoạn giáp quận 8 đến Nguyễn Văn Linh), nút giao ngã 5 Vĩnh Lộc, nút giao Quách Điêu - Nữ Dân Công - Phạm Văn Sáng...
Cần hơn 15.000 tỉ đồng
Ông Bùi Trọng Thống - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh, cho biết để khắc phục các khiếm khuyết hạ tầng, tăng cường năng lực giao thông liên vùng, liên khu vực, đơn vị này vừa đề xuất UBND huyện chủ trương nâng cấp, mở rộng cũng như xây dựng mới 61 công trình với tổng kinh phí 15.750 tỉ đồng trong giai đoạn 2020- 2025. Trong đó, nâng cấp, mở rộng khoảng 30 công trình, đầu tư xây dựng mới 31 công trình. "Đây là những công trình xương sống, cần phải đầu tư để tạo bước đệm cho việc cải tạo những con đường nhánh tiếp theo" - ông Thống khẳng định.
Cụ thể, đối với nhóm công trình kết nối huyện Bình Chánh với tỉnh Long An sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 1 (đoạn giáp Bến Lức), Quốc lộ 50 (giáp huyện Cần Giuộc), đường Trần Văn Giàu, cầu Xáng - đường kết nối huyện Đức Hòa, tỉnh Long An... Ngoài ra, nhiều tuyến đường được đề xuất nâng cấp để kết nối khu vực giữa huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn như đường Quách Điêu, Phạm Văn Sáng, Vĩnh Lộc...
Đối với nhóm công trình đầu tư mới theo quy hoạch được duyệt, gồm xây mới đường Tây Bắc để tạo trục kết nối giữa huyện Bình Chánh và huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; xây mới Cầu Xáng 2; xây mới cầu Ba Lạc kết nối với huyện Bến Lức, tỉnh Long An; xây mới đường Nguyễn Cửu Phú nối dài kết nối đường Nguyễn Cửu Phú với cao tốc TP HCM - Trung Lương: xây mới đường chui cầu Cần Giuộc nhằm kết nối đường trục khu vực với Nguyễn Văn Linh; xây mới cầu Qui Đức nhằm kết nối với huyện Cần Giuộc, Long An...
Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, thời gian qua, TP đã đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường ở cửa ngõ phía Tây Nam, nhưng chủ yếu dựa trên hiện trạng mặt cắt ngang hiện hữu, chưa đủ điều kiện thực hiện theo quy hoạch nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. "Để nâng cao tính đồng bộ trong kết nối vùng cũng như tăng năng lực giao thông cho khu vực này, chúng tôi đang phối hợp các sở, ngành và UBND huyện Bình Chánh nghiên cứu chủ trương đầu tư một số dự án, trong đó, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở mới một số tuyến đường đi qua các khu đất nông nghiệp nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng" - ông Phan Công Bằng thông tin.
Sẽ sớm mở rộng 2,5 km Quốc lộ 1
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh cho biết hiện nay, chỉ duy nhất đoạn Quốc lộ 1 dài 2,5 km (từ nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận) đã nghiên cứu xong chủ trương đầu tư công với việc mở rộng bề mặt đường khoảng 120 m (hiện nay là 30 m), đầu tư phân kỳ theo nhu cầu thực tế và hiện đang chờ bố trí nguồn vốn. Riêng tuyến Quốc lộ 50 với chiều dài 7 km (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh Long An) đã nghiên cứu xong chủ trương đầu tư công nhưng chưa được HĐND TP thông qua, nếu được thông qua đoạn đường này sẽ mở rộng lên 34 m với 6 làn xe thay vì chỉ 2 làn xe hỗn hợp như hiện nay.
Bình luận (0)