CSGT xử phạt xe vi phạm trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP HCM - Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, dự thảo đề xuất tăng nặng nhiều hành vi vi phạm có tính chất đặc biệt nguy hiểm đến an toàn giao thông (ATGT) và bổ sung thêm nhiều hành vi xử phạt.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất tăng nặng mức xử phạt với các hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm đến ATGT như: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy, các hành vi vi phạm trên đường cao tốc.
Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, dự thảo đề xuất tăng nặng mức xử phạt vi phạm ở mức 2 và mức 3 đối với người khiển ôtô và mức 3 đối với người điều khiển xe máy. Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức 3, Bộ GTVT đề xuất phạt tiền từ 26-30 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 14-16 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP hiện đang quy định xử phạt từ 16-18 triệu đồng và tước GPLX 4-6 tháng.
Một điểm mới đáng chú ý khác là các hành vi vi phạm trên đường cao tốc quy định tại Nghị định 46 đang gộp chung tại một điều với mức xử phạt chung từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng và tước GPLX 1- 3 tháng.
Tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đề xuất tách ra thành nhiều hành vi khác nhau với mức xử phạt tăng nặng. Cụ thể, hành vi lùi xe trên cao tốc thành một điểm riêng với mức phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng. Bên cạnh đó, hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc cũng được đề xuất mức xử phạt tương tự. Hành vi quay đầu xe trên đường cao tốc cũng được tách thành điểm riêng với mức xử phạt tăng nặng lên 7 - 8 triệu và tước GPLX từ 4 - 6 tháng.
Với nhóm hành vi vi phạm đi không đúng phần đường, làn đường; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều"; các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ; các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ... cũng được tăng nặng mức xử phạt so với trước.
Một điểm mới nữa tại dự thảo Nghị định 46/NĐ-CP là quy định hiện hành chỉ quy định xử phạt và trả lại phương tiện và chủ phương tiện phát hiện đục số khung, số máy. Song lần này dự thảo Nghị định quy định sẽ tịch thu phương tiện tự ý đục lại số khung, số máy để xử lý dứt điểm vi phạm.
Trong kinh doanh vận tải, dự thảo Nghị định sẽ bổ sung xử phạt 7 - 10 triệu đồng đối với doanh nghiệp, chủ phương tiện đối với cá nhân và 14-20 triệu đồng đối với tổ chức để người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy.
Bình luận (0)