Đến nay, nước ta đã tiêm được gần 20,6 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong tổng số khoảng 30 triệu liều vắc-xin Việt Nam tiếp nhận. Hiện 10 địa phương có tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao nhất (tính theo số vắc-xin phân bổ) là: Bắc Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Cà Mau, Vĩnh Long, Yên Bái, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Điện Biên, Lâm Đồng.
Trước đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tổ chức tiêm tại nhiều cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động. Theo đó, khẩn trương rà soát các đối tượng đã tiêm mũi 1 và lập kế hoạch tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian tại đơn vị mình để chủ động tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt vắc-xin.
Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP HCM, tính đến 18 giờ ngày 1-9, có 227.129 trường hợp mắc Covid-19. Thành phố hiện điều trị 41.040 bệnh nhân, trong đó 2.890 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.749 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 1-9, có 3.369 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 116.337), 217 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 9.724).Tính đến ngày 1-9, TP HCM đã triển khai tiêm 6.225.960 mũi vắc-xin...
Một người dân lớn tuổi ở TP Thủ Đức được nhân viên Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 tại nhà hôm 2-9 Ảnh: TRẦN KHANH
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), ngày 2-9 vừa triển khai lễ ra quân chương trình "Đến tận nhà dân tiêm vắc-xin Covid-19, khám bệnh, cấp thuốc". Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, những người có bệnh nền, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai... được đội ngũ y - bác sĩ của bệnh viện đến tận nhà để khám, phát thuốc, xét nghiệm tầm soát và tiêm vắc-xin Covid-19 tại nhà.
Do địa bàn TP Thủ Đức rộng, các đội phải di chuyển xa nên dự kiến mỗi đội sẽ khám 20-25 bệnh nhân/ngày, tất cả đều miễn phí. Bệnh nhân có đủ yếu tố để khám bệnh tại nhà do Bệnh viện Lê Văn Thịnh phụ trách thì đăng ký trên Fanpage của bệnh viện hoặc đăng ký danh sách tại phường gửi về bệnh viện, kèm theo đó là thông tin về tình trạng bệnh để bệnh viện chuẩn bị thuốc men… Thời gian thực hiện khám bệnh tại nhà sẽ kéo dài cho đến khi hết dịch bệnh Covid-19.
TP HCM đã tổ chức hơn 411 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai phát túi thuốc A, B, C cho F0 chăm sóc, điều trị tại nhà. Thực hiện giám sát hoạt động tại các trạm y tế lưu động. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 2.846, số F1 đang được cách ly tại nhà là 20.644 người.
Bình Dương đã tiêm 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm
Sáng 2-9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức triển khai tiêm 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm cho người dân ở TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Trước đó, tỉnh Bình Dương cũng đã tiêm loại vắc-xin này cho công dân Trung Quốc và người chuẩn bị đi du học Trung Quốc trên địa bàn. Theo báo cáo kết quả 16.000 người đã tiêm vắc-xin Sinopharm tại Bình Dương đều có sức khỏe ổn định, chỉ có 1 người có phản ứng nhẹ sau tiêm.
Tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí ngày 1-9, bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết vắc-xin Sinopharm có hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ lây nhiễm, chuyển biến bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong, hiện vắc-xin này đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Tính đến ngày 31-8, Bình Dương đã tiêm 976.473 liều vắc-xin (trong đó có 933.223 người tiêm mũi 1 và 43.250 người tiêm mũi 2).
T.Đồng
Bình luận (0)