Ngày 18-6, Báo Người Lao Động nhận được văn bản của UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, phúc đáp về tình hình kiểm tra, xử lý bảng hiệu, quảng cáo không đúng quy định và việc kiểm tra tình hình người nước ngoài cư trú, lao động, kinh doanh trái phép trên địa bàn TP Nha Trang.
Người Trung Quốc lưu trú, kinh doanh trái phép
Về tình hình kiểm tra, xử lý bảng hiệu, quảng cáo không đúng quy định, tại văn bản phúc đáp, UBND TP Nha Trang cho biết đã chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - thông tin của TP thực hiện kiểm tra theo các kế hoạch của tỉnh về triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9-5-2017 của Thủ tướng về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và kiểm tra hoạt động quảng cáo không đúng quy định trên địa bàn TP Nha Trang năm 2018.
Kết quả, trong đợt kiểm tra từ ngày 12-4 đến 4-5, đội kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, xử lý phạt hành chính 9 đơn vị với 104 triệu đồng vì các cơ sở quảng cáo sản phẩm hàng hóa không thể hiện tiếng Việt, ghi tiếng nước ngoài có khổ chữ quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt trên bảng hiệu. Các xã, phường cũng lập biên bản 151 cơ sở có bảng hiệu quảng cáo tiếng nước ngoài sai quy định, xử phạt 5 trường hợp với số tiền 14,2 triệu đồng.
Một cửa hàng treo bảng hiệu chữ Trung Quốc bị cơ quan chức năng yêu cầu tháo gỡ
Trong đợt kiểm tra từ ngày 15 đến 25-5, đoàn tiếp tục xử phạt 3 doanh nghiệp cố tình không sử dụng tiếng Việt khi quảng cáo các sản phẩm hàng hóa. UBND các xã, phường kiểm tra bảng hiệu, quảng cáo của 108 cơ sở, trong đó tiếp tục yêu cầu 98 cơ sở phải sửa bảng hiệu; xử phạt 10 cơ sở cố tình vi phạm với số tiền 75 triệu đồng…
UBND TP Nha Tranh đánh giá qua các đợt kiểm tra, tình hình chấp hành pháp luật của các hộ kinh doanh về bảng hiệu, bảng quảng cáo trên địa bàn TP đã có chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, UBND TP tiếp tục chỉ đạo đội kiểm tra liên ngành, cùng UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý triệt để vi phạm, đặc biệt là các trường hợp treo bảng hiệu, bảng quảng cáo vi phạm pháp luật, có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Về kiểm tra tình hình người nước ngoài cư trú, lao động, kinh doanh trái phép, UBND TP Nha Trang trả lời về tình trạng người lao động nước ngoài nhất là người Trung Quốc (TQ) đang lưu trú, lao động, kinh doanh trái phép, UBND TP Nha Trang khẳng định tổ kiểm tra do UBND TP thành lập đã tiến hành 7 đợt kiểm tra, qua đó phát hiện 10 cơ sở lưu trú vi phạm. UBND TP đã tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định xử phạt hành chính tổng trên 1,2 tỉ đồng. Trong thời gian tới, UBND TP chỉ đạo Công an TP tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì kiên quyết xử lý.
Còn phức tạp do... lách luật
Những nỗ lực của chính quyền, cơ quan chức năng của TP Nha Trang nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung rất đáng ghi nhận nhằm chấn chỉnh tình hình vi phạm ở 2 lĩnh vực trên.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc lập lại trật tự không hề đơn giản, cần phải quyết liệt hơn. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong 5 tháng đầu năm 2018, TP Nha Trang đón gần 1,2 triệu khách quốc tế, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lượng khách TQ chiếm trên 60%; kế đến là Nga, gần 20%. Do chủ yếu phục vụ khách của 2 quốc gia này nên trên rất nhiều tuyến đường như Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thị Minh Khai, Biệt Thự… biển hiệu của các cơ sở kinh doanh tràn ngập chữ TQ và chữ Nga. Thậm chí, nhiều nhà hàng, quán ăn không treo bảng hiệu chữ Việt.
Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở treo bảng hiệu bằng chữ nước ngoài ở TP Nha Trang
Một cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, khẳng định sở đã cử nhiều đoàn nhắc nhở, xử lý nhưng họ không tháo dỡ, không khắc phục. "Muốn xử lý phải dựa vào UBND TP Nha Trang, các xã, phường, tổ dân phố chứ đơn vị chức năng như sở không thể nào kiểm tra xuể" - vị này nêu khó khăn.
Ở lĩnh vực lao động, tình trạng người nước ngoài ở lại làm việc, kinh doanh vẫn còn nhiều phức tạp. Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Khánh Hòa phát hiện trong 55 lao động TQ có 25 người vi phạm pháp luật; 30 người còn lại không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động vì là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của công ty TNHH hoặc thành viên HĐQT của công ty cổ phần.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có dấu hiệu chuyển nhượng vốn cho các thành viên là người nước ngoài, xảy ra tại một số doanh nghiệp, như Công ty TNHH Y. F (2 thành viên góp vốn là người TQ); Công ty Đầu tư P.N (5 thành viên góp vốn người TQ); Công ty Du lịch quốc tế F. T (đại diện pháp lý và 3 thành viên góp vốn đều là người TQ)…
Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa có trên 220 công ty có vốn nước ngoài, chuyển nhượng vốn và nghiễm nhiên các thành viên này thuộc diện không phải cấp giấy phép lao động. "Đây là một sự lách luật bởi pháp luật hiện hành không quy định cụ thể góp vốn là bao nhiêu" - một cán bộ thanh tra Sở LĐ-TB-XH nhìn nhận.
Không xử lý dẫn đến lờn luật
Trong cuộc họp xử lý các vấn đề về quảng cáo bằng tiếng nước ngoài mới đây, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nguyên nhân gốc rễ là sai phạm ngay trước mặt mà không bị xử lý, dẫn đến lờn luật. Trách nhiệm này thuộc về UBND xã, phường, TP Nha Trang và cơ quan chuyên môn. Ông Tài yêu cầu UBND TP Nha Trang nhắc nhở các xã phường phải giải quyết dứt điểm vấn đề bảng hiệu, bảng quảng cáo tiếng nước ngoài, nếu không làm được phải phê bình, chấn chỉnh ngay.
Bình luận (0)