Bình quân mỗi năm cả nước có trên dưới 100.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Ngoài ra, ước có khoảng gần 10.000 người đi theo diện cá nhân, chủ yếu qua các con đường bất hợp pháp. Trong số này, cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình..., Thanh Hóa là địa phương có rất đông lao động di cư bất hợp pháp, đặc biệt là sang Trung Quốc làm việc "chui".
Quá nhiều rủi ro
Đến giờ, anh Đ.S.T (ngụ xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn bị ám ảnh bởi những tháng ngày lao động khổ sai nơi xứ người. Năm 2015, anh T. cùng khoảng 50 người địa phương được một người môi giới đưa ra Quảng Ninh để sang Trung Quốc. Sau khi qua biên giới, anh cùng với 15 người được đưa vào một xưởng sản xuất ván ép, nằm ở khu vực xa dân cư. "Những gì tại đây hoàn toàn khác xa với lời hứa "việc nhẹ, lương cao" của người môi giới. Chúng tôi bị ép làm việc khổ sai, bị chủ xưởng quản lý rất chặt, sẵn sàng đánh đập, hành hạ nếu làm việc không đạt yêu cầu" - anh T. nhớ lại.
Theo lời anh T., do không chịu nổi cảnh cưỡng bức lao động, bị đánh đập nên ngay hôm xảy ra vụ việc một đồng hương bị tai nạn tử vong, anh T. và cả nhóm quyết định bỏ trốn.
Xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nằm nép mình bên bờ biển. Nghề đi biển vốn cơ cực, thu nhập bấp bênh nên khoảng 10 năm trở lại đây, thanh niên kéo nhau sang Trung Quốc. Họ vượt biên như trường hợp của anh T., vào các xưởng cưa, lò gạch và bị bắt làm việc khổ sai, đối mặt nhiều rủi ro.
Đã 3 năm trôi qua, bà Đồng Thị Hải (ngụ thôn Minh Hải, xã Minh Lộc) vẫn không biết rõ nguyên nhân cái chết của con trai sau khi sang Trung Quốc. Anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1989, con trai bà Hải) sang đây lao động chui từ năm 2014. Cuối tháng 8-2016, gia đình bà Hải nhận được hung tin anh Sỹ tử nạn. Đến lúc nhận hung tin, gia đình chẳng biết anh sang Trung Quốc làm công việc gì, ở đâu, vì sao chết. Chị Hoàng Thị Thúy (vợ anh Sỹ) chia sẻ: "Anh Sỹ làm được gần 2 năm, tiền gửi về cho vợ con chẳng là bao, khi anh chết, gia đình còn phải chạy vạy khắp nơi lo tiền để đưa thi thể về quê chôn cất. Cứ tưởng sang bên đó sẽ kiếm được công việc phù hợp, dành dụm được ít tiền để lo cho cuộc sống sau này, ai ngờ lại mang họa lớn".
Cũng qua Trung Quốc mang theo giấc mộng đổi đời, nhưng mới làm việc trên đất Trung Quốc được hơn 4 tháng, anh Lê Văn Đức (ngụ thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc) đã bỏ mạng nơi xứ người. Do là lao động bất hợp pháp, mọi quyền lợi của anh Đức không được phía chủ Trung Quốc chi trả, thậm chí để có tiền đưa thi thể anh về nước, người thân phải vay mượn hàng trăm triệu đồng.
Bà Đồng Thị Hải bên di ảnh con trai tử vong ở Trung Quốc khi đi lao động “chui”
Tự tìm đến "cò mồi"
Ở xã Minh Lộc có thời điểm 300 thanh niên cùng lúc sang Trung Quốc và thường xuyên xảy ra tình trạng bị ngược đãi. Ông Vũ Huy Bộ, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc, nói rằng việc ra nước ngoài làm việc đã giúp rất nhiều gia đình thoát nghèo, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi. Thế nhưng, hậu quả của nó là vô cùng lớn. Do chọn con đường di cư lao động bất hợp pháp, nhiều người chấp nhận đánh cược cho may rủi, đối mặt rất nhiều rủi ro như cưỡng bức lao động, đánh đập, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người.
Thượng tá Mai Xuân Ngọc, Phó trưởng Phòng An ninh Đối ngoại (PA01) Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết trước năm 2017, mỗi năm có hàng ngàn người dân Thanh Hóa sang Trung Quốc và một số nước châu Á làm việc trái phép. Nhiều nhất là vào năm 2015, khoảng 13.000 người. Hiện tại con số này giảm mạnh, còn hơn 1.000 người.
"Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.448 người đang lao động bất hợp pháp ở nhiều nước. Ngoài Trung Quốc, một số nước có người lao động "chui" nhiều như: Hàn Quốc 1.164 người, Thái Lan 800 người, Lào 400 người... Ngoài ra có khoảng 1.351 người đang lao động tại châu Âu. Rất khó để ngăn chặn tình trạng này bởi phần lớn người dân tự tìm đến "cò mồi" hoặc nhờ người thân đang sinh sống ở các nước lo thủ tục" - thượng tá Mai Xuân Ngọc thông tin thêm.
Cũng theo thượng tá Mai Xuân Ngọc, một con số đáng báo động là trong số hàng ngàn người lao động bất hợp pháp tại nước ngoài thời gian qua, đã có hàng chục lao động địa phương tử vong, mất tích.
Đến thời điểm này, Thanh Hóa có 43 người tử vong khi lao động tại Trung Quốc, 39 người bị phía Trung Quốc bắt đưa ra xét xử; 2.751 người bị bắt trục xuất về nước. "Vì đi theo diện bất hợp pháp và do thiếu hiểu biết pháp luật nên khi xảy ra rủi ro tính mạng, các gia đình ít khi chủ động khai báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ, bảo hộ công dân" - thượng tá Mai Xuân Ngọc nói.
Ngăn chặn 38 vụ xuất cảnh trái phép
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp ra nước ngoài, trong những năm qua, Công an tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn các đường dây lừa đảo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép; đồng thời phối hợp với ngành lao động tăng cường vận động, khuyến khích người dân đi làm việc hợp pháp. Từ năm 2016 đến nay, ngành công an ngăn chặn 38 vụ với 382 người có ý định xuất cảnh trái phép; phát hiện 108 đối tượng nghi vấn môi giới, tổ chức đưa người đi lao động trái phép; khởi tố 14 đối tượng về hành vi "Tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái pháp luật".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-11
Bình luận (0)