Xã Hành Tín Tây lâu nay được gọi là "rốn lũ" trên sông Vệ. Nơi đây, qua những cơn lũ dữ, người quê mất mát nhiều lắm nên lần hồi cũng biết cách sống chung với lũ.
Người người hối hả
Tôi về Hành Tín Tây sau khi một cơn bão đổ bộ vào miền Trung. Nước sông Vệ đục ngầu. Dọc đường vào xã, bắt đầu là thôn Tân Phú, đã thấy người người khẩu trang che kín mặt, đang trải lúa hoặc bắp ra những tấm bạt để phơi.
Thiếu tá Quảng Thanh Tùng và một thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai xã Hành Tín Tây kiểm tra xuồng cứu hộ chuẩn bị cho mùa bão lũ
Ông Mai Cường vừa phơi lúa xong là vội chạy ra sau nhà mang tấm gỗ chèn dọc cái máng rơm chuồng bò rồi lấy búa, đinh ra đóng. Đưa tay quệt mồ hôi, ông nói với tôi: "Mọi năm bão lũ thường ghé Quảng Ngãi vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch. Năm nay, trời đỏng đảnh quá. Chưa hết tháng 9 mà bão số 5 rồi đến số 6 vào miền Trung gây mưa lớn ở Quảng Ngãi, nên mình phải gia cố chuồng bò cho chắc, kẻo những đợt mưa lớn kế tiếp, lũ dâng lên kéo chuồng bò ra sông".
Từ thôn Tân Phú lên thôn Trũng Kè, giáp xã Ba Động (huyện Ba Tơ), đâu đâu cũng chung cảnh người người hối hả.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn Tân Phú, đưa tay chỉ ra hướng bờ sông, nói: "Bây giờ, chỉ cần vài đợt mưa lớn là nước từ trên vùng núi Ba Tơ đổ về dâng cao, quét vô làng xóm".
Nhớ năm 1999, cũng dòng sông nước còn thấp như thế này đây nhưng chỉ mưa liên tục vài ngày là cả xã Hành Tín Tây biến thành biển nước mênh mông trong cơn lũ lịch sử. Nhiều người phải trổ mái tranh trèo lên nóc nhà để tránh. Nhà tranh, vách đất ngâm trong nước vài hôm là rệu rã đổ xuống, lôi cả người theo.
Năm đó, xã bị cô lập hoàn toàn. Tỉnh Quảng Ngãi phải yêu cầu Quân khu 5 điều trực thăng cứu trợ, bay vòng quanh ném mì gói, nước suối cho dân. Đến khi lũ rút, Hành Tín Tây như một bãi hoang tàn. Dọc đường liên xã bùn non ngập đầy. Những bụi tre già ven sông trồng chống xói lở bị ngã đổ. Vào sâu trong các khu dân cư đâu đâu cũng thấy nhà sập; gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Nhiều gia đình mất người thân, nước mắt lăn dài trên má.
Mà phải đâu chỉ có năm 1999, năm 2013 rồi 2017 cũng vậy, Hành Tín Tây lũ quét tơi bời. Cứ nghe đài truyền hình báo nước sông Vệ lên mức báo động số 3 là ở đây đã có đến tám đoạn bị chia cắt. Còn khi nước sông vượt trên mức ấy thì xóm làng ở đây trở thành biển nước mênh mông.
Tình người cao hơn đỉnh lũ
Ông Nguyễn Minh Tâm, Chánh Văn phòng UBND huyện Nghĩa Hành, quê ở xã Hành Tín Tây, những năm đó là chủ tịch UBND xã này, nhớ sau cơn lũ dữ năm 1999, khi họp bàn về chống lũ, các thành viên đội cứu hộ đều muốn mình được trang bị một chiếc áo phao để yên tâm khi đi cứu hộ. Và để cứu người khác thì trên những chiếc ghe phòng chống lụt bão cần trang bị những chiếc phao tròn.
Biết ý kiến đưa ra hợp lý nhưng khi đó giá một chiếc phao tròn là trên 100.000 đồng. Xã nghèo thế thì lấy tiền đâu mà trang bị. Còn người dân trong toàn xã có đến 37% là hộ nghèo. Chuyện mua phao trang bị cứu hộ thế là thành chuyện xa xôi.
Ông Tâm kể cứ bàn tới bàn lui, rốt cuộc anh em nhớ trong cơn lũ dữ năm nào có người may mắn thoát chết nhờ bám được chiếc can nhựa của nhà ai đựng mắm, đựng dầu trôi dạt. Thế rồi tất cả đều thống nhất trang bị phao theo cách này.
Vậy là trong mùa mưa lũ năm 2000, sau lưng của những thành viên đội phòng chống thiên tai của xã Hành Tín Tây và của các thôn đều đeo lủng lẳng chiếc can nhựa loại 20 lít, hồi đó giá 10.000 đồng/cái, có ghi dòng chữ sơn đen PCLB (phòng chống lụt bão) với sợi dây buộc quanh người. Phía trên cổ can có hai sợi dây choàng qua tay thay chiếc áo phao. Còn trên những chiếc ghe chèo có nhiều chiếc can cột sợi dây dài từ 5-7 m, thay phao tròn khi đi ứng cứu.
Các thành viên Đội Xung kích cứu hộ xã Hành Tín Tây chuẩn bị phương tiện cứu hộ giúp dân trong lũ
Cứ thấy người bị nạn thì thành viên của Đội phòng chống lụt bão tung chiếc can có sợi dây dài để họ nắm mà kéo lên ghe. Ai ngụp lặn trong dòng nước sâu mà không thể bám được can cứu hộ thì có chiếc can thay phao trên lưng, các thành viên đội xung kích yên tâm nhảy xuống dòng nước lũ, bơi đi cứu người.
Chuyện chiếc can nhựa thay phao khi cứu hộ cứu nạn của Hành Tín Tây một thời không chỉ lan ra những xã nghèo ven sông Vệ mà đến vùng ven sông Trà Bồng, Trà Khúc.
Trong những giờ phút sinh tử thì tình người thực sự cao hơn đỉnh lũ. Anh Đào Trà, thành viên ban chỉ đạo Đội Xung kích phòng chống thiên tai của xã Hành Tín Tây, bộc bạch: "Làng quê hay ở đâu cũng vậy, thường ngày làm ăn, sinh hoạt, người này có khi mâu thuẫn với người kia rồi tiếng bấc tiếng chì. Nhưng mưa lũ dâng cao thì mấy ai tính toán thiệt hơn".
Mùa mưa năm 2013, chỉ sau vài ngày mưa cấp tập, nước lũ đổ về quét vô làng dâng cao trong đêm. Anh Nguyễn Duy Oanh, nhà ở trước trụ sở UBND xã cũ, sau khi chuyển được mẹ vào trụ sở UBND xã để tránh lũ thì vội kéo chiếc ghe đua đi cứu người, dù nhiều lời can gián loại ghe này dễ lật. Còn hai ông Phan Thuận và Hồ Sở tuổi đã cao nhưng trong đêm tối kinh hoàng ấy cũng chẳng nhớ mình cao tuổi, cứ nghe chỗ nào kêu cứu thì bơi thuyền tới. Thời điểm đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư khen nên ông Thuận và ông Sở xúc động lắm. Nhưng hỏi chuyện thì ông Thuận thật thà: "Đêm đó ở làng có rất nhiều người quên mình đi cứu hộ. Mình cũng như vậy mà thôi!".
Ông Phan Thuận từng được Chủ tịch nước gửi thư khen, giờ vẫn tích cực tham gia công tác cứu hộ
Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khen 2 ông Phan Thuận và Hồ Sở cứu hộ giúp dân trong lũ dữ
Hết lũ năm 2013 rồi đến những cơn lũ năm 2017, qua những cơn lũ, nhờ các đội xung kích cứu hộ hoạt động hiệu quả nên bớt thiệt hại về nhân mạng nhưng nhiều hộ dân chẳng còn nhà cửa, tài sản nên giấc mơ bình yên ở vùng này vẫn cứ xa xôi.
Ông Mai Quang, ngụ thôn Tân Phú, đưa chúng tôi lên thăm ngôi nhà có sàn bằng bê-tông mà mỗi mùa mưa bão vợ chồng ông dùng để trú tránh. Ông bộc bạch: "Tui diện hộ cận nghèo. Năm 2016, nhà nước hỗ trợ cho 19 triệu đồng để xây chòi tránh lũ. Nhận tiền về mừng lắm. Nhưng nghĩ cả đời khổ cực, muốn có một nơi ở và tránh lũ tốt hơn nên vợ chồng cứ bàn bạc miết. Rồi cái nhà có nền được tôn cao hơn mặt đường 1,2 m, có cầu thang và đổ bê -tông cao hơn nền nhà 4,2 m, rộng 35 m2, trị giá trên 100 triệu đồng, được xây dựng bằng sự hỗ trợ, gom góp và cả vay mượn. Hôm làm mâm cơm cúng mừng nhà mới, bà con đến chia vui. Ngôi nhà trở thành nguồn cảm hứng để các hộ diện nghèo khó nhìn vào đó mà chắt chiu, gom góp xây dựng, có chỗ chống chọi với bão lũ".
Ông Mai Quang đưa tay chỉ về hướng một con đập rồi bảo: "Có những năm mùa khô, nước đập cạn, cây lúa thiếu nước nên héo hon. Thế là nhà nhà trần lưng đóng giếng khoan rồi kéo điện, bắt mô-tơ bơm nước tưới cho lúa. Còn trên vùng đồng bãi ven sông, sau mùa mưa bão, người người ra sông bới đất, lật cỏ để trồng đậu phụng hoặc bắp.
Vững tâm hơn khi lũ về
Cây lúa, cây bắp như hiểu được sự cố gắng của con người nên mùa nối mùa xanh tốt. Đến khi thu hoạch, nhà nhà bận rộn thâu đêm.
Tiền của chắt chiu được từ trồng bắp, trồng đậu, bà con mua con bò, con heo để nuôi sinh lợi. Cứ tích cóp ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, rồi những ngôi nhà tranh tre dần nhường chỗ cho nhà xây lợp ngói kiên cố. Thêm nhiều hộ vững tâm hơn khi mùa mưa lũ về.
Ông Phạm Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây, cho hay: "Sau hơn 2 thập kỷ tính từ cơn lũ lịch sử năm 1999, bây giờ toàn xã có 1.232 hộ nhưng đến 70% số hộ có nhà tầng hoặc nhà gác lỡ để chất lúa gạo và bảo đảm tránh lũ. Cuộc sống của bà con khá dần lên trong sự đồng sức, đồng lòng của toàn dân, nhất là khi mùa mưa bão tới.
Mưa lại về, lũ sẽ lên nhưng tôi vẫn thấy yên tâm khi nghe thiếu tá Quảng Thanh Tùng, Đội phó Đội xung kích cứu hộ xã Hành Tín Tây, thông tin 2 đội xung kích cứu hộ cứu nạn của xã và 8 đội xung kích ở các thôn đã sẵn sàng cứu hộ người dân.
Tránh lũ vẫn phải bảo đảm giãn cách
Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây - ông Mai Văn Tường - nói: "Mùa mưa bão năm nay, xã đã tính toán di dời người dân xen ghép, đưa những hộ nhà cửa tạm bợ đến những hộ đã xây nhà hay có chòi tránh lũ kiên cố. Đồng thời, trưng dụng toàn bộ trường học, nhà văn hóa thôn để đáp ứng việc di dời người dân. Do dịch Covid-19 kéo dài nên chuyện tạm trú tránh lũ vẫn phải bảo đảm giãn cách.
Bình luận (0)