Ngày 10-7, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho cháu bé N.T.Q. (5 tuổi, trú xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An) vào cấp cứu do bị rắn cạp nia cắn.
Trước đó, vào khoảng 20 giờ ngày 8-7, trong lúc đi ra vườn nhà, cháu N.T.Q. không may bị rắn cạp nia cắn vào chân phải. Người thân đã lập tức đập chết con rắn, đưa cháu Q. vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu.
Con rắn cạp nia cắm cháu bé bị người nhà đập chết. Ảnh: Facebook
Lúc vào viện, cháu bé tỉnh táo, không sốt, không khó thở. Qua thăm khám cháu bé, các bác sĩ thấy da niêm mạc hồng, không phù, không xuất huyết dưới da, tuyến giáp không to, bụng mềm, không chướng, gan lách không to, hội chứng màng não âm tính. Cẳng chân phải từ chỗ garo trở xuống tím, mạch mu chân phải bắt được. Tại vị trí rắn cắn có 2 vết móc nhỏ ở mắt cá chân trong bên phải. Vết cắn đau ít, không phù nề, không hoại tử.
Các bác sĩ sau đó tháo garo, truyền dịch, lợi tiểu. Sau khi được điều trị, sức khỏe cháu bé ổn định, không sốt, không khó thở, hết đau vùng rắn cắn.
Trước đó, cũng tại Nghệ An, một cô gái trẻ đã bị rắn cạp nia cắn tử vong. Chị N.T.L. (SN 2000, trú xóm Yên Phú, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) khi đang ngủ trong nhà đã bị 1 con rắn cạp nia cắn vào cổ, tay. Dù được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, nhưng chị L. đã tử vong.
Được biết, rắn cạp nia có đầu nhỏ, mình tròn, trên thân có các khoang màu đen, trắng xen kẽ. Chúng có tiết diện ngang hình tam giác, đoạn từ hông xuống đuôi dẹp dần thành điểm nhọn. Hai loài được ghi nhận là cạp nia miền Bắc và cạp nia miền Nam. Ngoài ra, các loài cạp nia sông Hồng, đầu vàng khá phổ biến.
Khi người bị rắn cạp nia cắn, nọc độc của rắn tác động lên hệ thần kinh, làm tê liệt tứ chi, khiến nạn nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.
Bình luận (0)