Ngày 3-4, đoàn công tác Trung ương do ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai - làm trưởng đoàn, đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Trước đó, từ 31-3 đến 2-4, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng; tổng lượng mưa phổ biến từ 160 - 380 mm, có nơi lên đến hơn 470 mm. Mưa lũ khiến hơn 13.500 ha lúa, hoa màu ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị bị ngập úng, gãy đổ; gần 200 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Riêng tại huyện Hải Lăng có khoảng 800 nhà dân chủ yếu ở huyện Hải Lăng bị ngập lụt từ 0,1 - 0,3 m.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai (thứ 2, từ phải sang), kiểm tra thiệt hại mưa lũ tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị
Tại chuyến kiểm tra, Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài, cho rằng diễn biến thất thường của thời tiết lần này đã gây thiệt hại lớn cho miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Trước mắt, theo ông Hoài, tỉnh Quảng Trị cần lưu ý những khu vực còn có thể bảo vệ được sản xuất cho vụ mùa thì thực hiện bơm tát, chăm sóc cây trồng ngay sau khi nước rút; khu vực nào ngập sâu cần xác định tập trung cho vụ mùa tới...
Ông Trần Quang Hoài thông tin phía Tổng Cục phòng chống thiên tai đang có những đề xuất mời các nhà khoa học, chuyên gia đồng hành cùng các tỉnh miền Trung để nghiên cứu giải pháp hỗ trợ vùng ngập, vùng biển và sẽ tính toán kỹ phương án chuyển đổi, công trình tưới tiêu, cắt lũ, hạ tầng giao thông... thích ứng với giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay. Cùng với đó sẽ triển khai những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Hoa màu và đồng ruộng ở huyện Hải Lăng bị ngập úng nặng sau đợt mưa lũ vừa qua
Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng phương án, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng. Tỉnh này cũng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để triển khai gia cố, tôn cao bờ đê bao ngăn lũ nhằm bảo vệ tối đa các diện tích gieo trồng chưa bị ngập; hàn gắn, khắc phục tạm thời các tuyến kênh mương nội đồng bị hư hỏng để bảo vệ và phục hồi sản xuất vụ mùa sắp tới.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, trước mắt, tỉnh sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh về giống cây trồng vật nuôi để phục hồi sản xuất và bố trí kinh phí để khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu về thủy lợi, giao thông… bị hư hỏng trong đợt mưa lũ vừa qua. Về lâu dài, tỉnh đề nghị trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí giúp tỉnh khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại trong các đợt thiên tai; đồng thời có các phương án, kịch bản ứng phó với các diễn biến thời tiết cực đoan, dị thường và có tính lịch sử.
Thừa Thiên - Huế: Đi chợ bị nước cuốn trôi, tử vong
Chiều 3-4, UBND xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết đã tìm được thi thể của bà Lê Thị Ph. (SN 1986; ngụ thôn Lương Mai, xã Phong Chương) và gia đình nạn nhân đang tổ chức lo hậu sự.
Trước đó, vào 8 giờ 30 phút cùng ngày, bà Ph. cùng với một người trong gia đình là Nguyễn Thị L. chạy xe máy đi chợ trên đê Hói Tôm. Khi đi qua đoạn ô Đông Có, thuộc thôn Nhất Phong (xã Phong Chương), do nước sâu và chảy mạnh, gió to nên cả hai đã bị rơi xuống nước. Bà Nguyễn Thị L. may mắn được người dân đi thả lưới cứu được, còn bà Ph. bị chìm, đến trưa cùng ngày mới tìm thấy thi thể.
Nước sông Ô Lâu dâng cao khiến người dân ở huyện Phong Điền phải di chuyển trên đường bằng ghe
Xã Phong Chương là vùng trũng nằm phía bờ nam sông Ô Lâu, mưa lớn trong những ngày qua khiến nước sông dâng cao, làm nhiều nhà nước vào, nhiều tuyến đường ngập đến 1 m. Đặc biệt, toàn bộ 885 ha lúa của người dân bị ngập úng, nguy cơ mất trắng.
Đợt mưa lũ từ ngày 31-3 đến nay đã làm cho 27 căn nhà ở tỉnh Thừa Thiên – Huế tốc mái do lốc xoáy, 5 người bị thương; khoảng 20.090 ha lúa bị ngập úng, trong đó 12.502 ha ngập nặng; 2.400 ha rau màu, cây ăn quả cũng bị ngập; nhiều quai đê nội đồng bị hư hại. Hiện, nhiều khu vực, tuyến đường giao thông huyết mạch ở khu vực thấp trũng tại huyện Quảng Điền, Phong Điền còn bị ngập sâu trong nước như QL49B, TL4, TL6, TL8A… có nơi ngập đến 0,5 m, cấm các phương tiện lưu thông.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai kiểm tra tình hình lũ lụt tại Thừa Thiên - Huế
Trong ngày 3-4, ông Trần Quang Hoài, Phó Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa gây ra trong những ngày qua và chỉ đạo phương án khắc phục hậu quả ở huyện Quảng Điền và Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Qua kiểm tra, ông Hoài đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ trái mùa gây ra, nhất là các diện tích lúa còn lại của người dân; báo cáo thiệt hại gửi cơ quan trung ương xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó địa phương cần nghiên cứu để có giải pháp chuyển đổi mùa vụ phù hợp đối với một số vùng thấp trũng trên địa bàn trước hiện tượng thời tiết bất thường ngày càng diễn ra một cách thường xuyên như hiện nay.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết tỉnh này đã chỉ đạo các địa phương, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa; kiểm tra xác định cụ thể mức độ thiệt hại và bàn biện pháp khắc phục, đặc biệt đối với các công trình đê bao nội đồng, các cống qua đê... lập kế hoạch sửa chữa kịp thời nhằm cấp nước phục vụ sản xuất.
Bình luận (0)