Báo cáo nhanh sáng 3-4 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết mưa lũ trong những ngày qua đã làm khoảng 20.090 ha lúa bị ngập úng, trong đó 12.502 ha ngập nặng; 2.400 ha rau màu, cây ăn quả cũng bị ngập; nhiều quai đê nội đồng bị hư hại. Hiện, nhiều khu vực, tuyến đường giao thông huyết mạch ở khu vực thấp trũng tại huyện Quảng Điền, Phong Điền còn bị ngập sâu trong nước như QL49B, TL4, TL6, TL8A… có nơi ngập đến 0,5 m, cấm các phương tiện lưu thông.
Làng Xuân Tùy ở hạ du thủy điện Hương Điền đang bị ngập
Đi qua các vựa lúa ở hạ du sông Bồ đâu đâu cũng thấy những cánh đồng nước trắng xóa, thi thoảng mới thấy ngọn lúa ngoi lên khỏi mặt nước. Ông Nguyễn Văn Thành, một lão nông ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, nói rằng những ngày qua, ông và những người trong làng đã rất nỗ lực vô cát vào bao, bì bõm trong lũ đắp đê với hy vọng cứu lúa nhưng sức người có hạn. "Lúa ngập hết rồi, kéo dài trên 3 ngày thì chẳng còn cây nào sống được nữa. Vụ mùa đông xuân năm nay xem như mất trắng rồi" – ông Thành trầm ngâm.
Đây là khu vực nằm ở hạ du thủy điện Hương Điền, nhiều người cho rằng họ bị ngập lụt là do thủy điện này xả nước từ 15 giờ ngày 1-4 để đảm bảo an toàn hồ đập. Đỉnh lũ cao nhất trên sông Bồ là + 3,03m, tương đương mức báo động II lúc 1 giờ ngày 2-4. "Sau khi thủy điện được lệnh điều tiết về hạ du thì ở khu vực chúng tôi nước bắt đầu lên nhưng chậm, hiện các tuyến đường ở làng nước ngập từ 0,3-0,5 m" - anh Hiệp, một người dân làng Xuân Tùy, xã Quảng Phú, cho biết.
Nước ngập sâu tại khu vực nhà văn hóa Xuân Tùy, xã Quảng Phú
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, phân tích rằng vùng hạ du sông Bồ qua huyện Quảng Điền, Hương Trà là khu vực thấp trũng, hệ thống đê quai cũ nên có cao trình bờ rất thấp, thủy điện chỉ cần xả với lưu lượng 500 m3/s và kèm mưa lớn đã ngập.
Theo số liệu từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong đợt mưa này, tổng lượng nước về hồ Hương Điền là 157 triệu m3, giữ lại hồ 110 triệu m3, xả về hạ du 47 triệu m3, lưu lượng về hồ lớn nhất 2.019m3/s, lưu lượng vận hành điều tiết về hạ du lớn nhất 787m3/s, cắt 61% đỉnh lũ.
Người dân xã Phong Hòa, huyện Phong Điền ở bên sông Ô Lâu phải chèo ghe đi trên đường
Riêng 2 hồ thủy lợi, thủy điện lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế nằm trên sông Hương là Tả Trạch, Bình Điền hiện nay vẫn chưa điều tiết xả về hạ du. Số liệu cho thấy tổng lượng nước về 2 hồ trong đợt mưa này là hơn 150 triệu m3 nhưng giữ lại hồ 134 triệu khối, lượng nước còn lại xả về hạ du thông qua phát điện. "Trước khi lũ về thì hai hồ này có mực nước xuống thấp vài mét so với cao trình bình thường để đón lũ. Như vậy các hồ chỉ vận hành phát điện hầu như cắt 100% đỉnh lũ. Trong đợt mưa lũ năm nay thì các hồ chứa ở tỉnh đã giữ lại trên 268 triệu m3 nước" – ông Hùng đánh giá.
Vì vậy, nguyên nhân nhiều cánh đồng lúa bị ngập, ngoài mưa lớn thì việc hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp từ, chỉ từ 0,5-1 m, nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn dễ dàng tràn qua. Bên cạnh đó, tại khu vực hạ du thủy triều dâng cao 0,7m, khẩu độ một số cống qua đê ven phá nhỏ, các sông, hói bị bồi lắng, gây khó khăn cho việc thoát lũ, làm cho mực nước trên sông dâng cao, xuống chậm gây ngập, tràn bờ vùng, đê bao nội đồng. Riêng ở khu vực sông Ô Lâu – ngăn cách giữa huyện Hải Lăng (Quảng Trị) với huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) bị ngập nặng do ảnh hưởng của mưa lớn ở phía Quảng Trị.
Bình luận (0)