xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điểm mặt "hang ổ" xe dù, bến cóc ở TP HCM (*): Công an quận Bình Thạnh và vị cán bộ bị cho là liên quan nói gì?

NHÓM PHÓNG VIÊN

Giải thích với Báo Người Lao Động, chủ 2 bãi xe lấn sông Bình Triệu và hoạt động trá hình không ngừng bao biện; trong khi đó, các cơ quan liên quan cùng chính quyền địa phương thì cam kết xử nghiêm và đưa nhiều giải pháp hòng ngăn chặn vấn nạn xe dù, bến cóc

Trước thông tin một cán bộ thuộc Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) có "liên quan" đến bãi xe lấn chiếm sông Bình Triệu hoạt động trá hình gây bức xúc trong dư luận, ngày 1-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Công an quận Bình Thạnh khẳng định không có chuyện công an liên quan đến chuyện "bảo kê" 2 bãi giữ xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh như đồn đoán.

Đua nhau than thở và bao biện

Tuy nhiên, vị đại diện Công an quận Bình Thạnh cũng thừa nhận một cán bộ từng công tác ở Công an quận Bình Thạnh có người nhà quản lý bãi giữ xe nhưng họ đều đăng ký giấy phép hoạt động. "Bãi xe này có giấy phép hoạt động và họ đều đóng thuế theo quy định. Nếu cấp dưới có hành vi "bảo kê" bãi giữ xe thì chúng tôi đã dẹp lâu rồi" - đại diện Công an quận Bình Thạnh nói.

Cán bộ công an mà vị đại diện Công an quận Bình Thạnh nhắc đến là trung tá Huỳnh Văn Sơn, nguyên đội phó Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Bình Thạnh. Ông Sơn xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động rằng vợ ông là người quản lý bãi giữ xe 391 Đinh Bộ Lĩnh hơn chục năm qua. Bãi xe này do gia đình quản lý, sau này được mở rộng để kinh doanh bãi giữ xe. Do bệnh tật nên ông Sơn nghỉ hưu sớm 1 năm. Ông khẳng định không dính dáng gì đến bãi giữ xe do vợ quản lý.

Điểm mặt hang ổ xe dù, bến cóc ở  TP HCM (*):  Công an quận Bình Thạnh và vị cán bộ bị cho là liên quan nói gì? - Ảnh 1.

Nhìn từ trên cao, bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM gần như “ôm gọn” nửa dòng sông Bình Triệu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong khi đó, vợ ông Sơn là bà Phan Thị Minh Trang (người đứng tên giấy phép hoạt động bãi xe 391 Đinh Bộ Lĩnh) thì cho hay lúc đầu thuê đất để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Qua thời gian dài làm ăn thua lỗ nên đã bỏ việc kinh doanh chở khách chuyển sang hoạt động bãi giữ xe. Việc lấn chiếm sông là trách nhiệm của chủ đất (!). Ngoài ra, bà Trang khẳng định: "Hoạt động của tôi không liên quan gì đến chồng. Bãi xe thu tiền lẻ đủ tiền cơm ngày ba bữa bảo kê làm gì (?!)". Bà cho hay bên trong bãi chỉ có bảo vệ thu tiền và sắp xếp các xe không có nhân viên bán vé. Xe ra vào đón ai, làm gì là quyền của nhà xe!

Tương tự, trao đổi trực tiếp với phóng viên, bà Lê Thị Chín (người đứng giấy phép bãi xe 397 Đinh Bộ Lĩnh) cũng một hai khẳng định nếu chi tiền bảo kê lấy gì mà sống (?!).

Trở lại việc xe khách núp bóng xe hợp đồng hoành hành ở khu trung tâm TP, ông N.V.T (quản lý ở một hãng xe) cho rằng ai cũng tìm cách lách nên hãng của ông cũng lách, bởi không lách không thể cạnh tranh được với các hãng khác. "Nói thật, tôi cũng mong sớm có quy định ràng buộc thật chặt để ai cũng tuân thủ, chứ như bây giờ lúc nào cũng nơm nớp" - ông T. phân bua cho việc núp bóng xe hợp đồng của hãng mình.

Sự thật thế nào?

Trái ngược với "than thở" của 2 chủ bãi xe, sáng 1-4, chúng tôi ghi nhận cả hai bãi xe trên đậu kín các phương tiện xe giường nằm. Bên trong hàng chục phụ xe hì hục tháo dỡ hàng hóa. Xe đông đến mức khoảng cách các phương tiện đậu kế nhau chỉ vừa thân người đi lại.

So sánh giữa phần diện tích lấn ra sông Bình Triệu thì bãi xe số 397 lấn nhô ra hơn so với bãi còn lại. Mép bờ sông được gia cố rất chắc chắn. Trong đó dùng cả những khối bê-tông đúc sẵn để chống sạt lở. Phía dưới dòng kênh, có nẹp thêm các cọc cừ tràm. Điều đáng nói dù đã lấn ra một phần diện tích rất lớn nhưng các phương tiện khi đậu cũng phải "ăn gian" khoảng không ở bờ sông bằng cách cho xe lùi bánh sau sát mép kè. Phần đuôi nhô ra ngoài mới bảo đảm được bên trong bãi xe thông thoáng. Khác với các lần trước, đợt này cả 2 bãi xe luôn khép kín cổng và luôn có người đứng ở phía trước canh gác. Mỗi phương tiện xe máy đi vào sẽ thu tiền 5.000 đồng/lượt. Tại quán nước bên trong 2 bãi xe luôn có bóng dáng chủ xe ngồi gọi điện thoại để gọi khách dặn dò giờ lăn bánh.

Ông K., chủ một hãng xe chạy tuyến TP HCM - Bình Định, cho biết bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh thông báo với mọi người không còn thu tiền tháng và lần này chuyển sang thu tiền theo ngày. "Chủ bãi xe thông báo không biết khi nào sẽ dừng bãi nên phải thu theo ngày để dễ dàng xử lý" - ông K. nói. Theo ông K., kinh doanh vậy mà không lời nhiều thì khó ai tin.

Hàng loạt giải pháp xử lý và ngăn chặn

Nêu các giải pháp trong thời gian tới để chấn chỉnh hoạt động xe dù, bến cóc, UBND quận Bình Thạnh cho biết sẽ chủ trì, phối hợp Công an TP, Thanh tra Giao thông (TTGT), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai việc kiểm tra, xử lý 2 bãi xe 391, 397 nhằm đạt hiệu quả. Ngoài ra, UBND quận sẽ xem xét kiến nghị UBND TP một số nội dung. Đó là chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu đề xuất giải pháp quy hoạch giới hạn khu vực nội đô không tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải hành khách để giảm thiểu áp lực phương tiện vận tải, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô TP; kiến nghị TP xem xét kiến nghị Chính phủ quy định ngành nghề kinh doanh dịch vụ giữ ôtô là ngành nghề có điều kiện và các điều khoản chế tài nhằm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực vận tải đường bộ.

Về giải pháp chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách trong thời gian tới, ông Đàm Phan Phát, Phó Chánh TTGT TP, khẳng định tăng cường phối hợp với Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, công an các quận - huyện tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các phương tiện vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của quận, huyện để tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm có hoạt động đón, trả khách không đúng quy định.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM, khẳng định sắp tới việc xử lý xe khách núp bóng xe hợp đồng trên địa bàn TP sẽ triệt để hơn khi ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý. Cụ thể, Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bổ sung giải pháp mới để quản lý xe hợp đồng, nhằm xóa "xe dù, bến cóc" có quy định rõ: "Trong một tháng, mỗi ôtô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp". Phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

"Hiện nay, Nghị định 10/2020 đã có hiệu lực, các dữ liệu GPS của phương tiện kinh doanh vận tải đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ với các địa phương. Tuy nhiên, do phải chờ phần mềm thống kê tổng số chuyến/hành trình của các phương tiện (dự kiến quý II/2021 sẽ hoàn tất) đưa vào áp dụng. Khi có phần mềm này, xe hợp đồng nào liên tục đón trả khách tại cùng một vị trí quá 30% tổng số chuyến sẽ bị xử lý" - ông Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với UBND quận Bình Thạnh, ông Đỗ Ngọc Hải còn cho rằng điều kiện đăng ký kinh doanh đối với loại hình bến bãi không thể đánh đồng với các loại hình đăng ký kinh doanh khác do phát sinh nhiều vấn đề liên quan trật tự, an toàn giao thông. Do đó, Sở GTVT TP sẽ nghiên cứu, tham mưu cho các bộ, ngành đề xuất Chính phủ bổ sung điều kiện đăng ký kinh doanh bến bãi tại các địa phương, trong đó phải có những điều kiện đi kèm. 

Tôi chỉ là cấp phó một đội trong ngành công an. Với vị trí như tôi thì làm gì có máu mặt để "bảo kê" bãi giữ xe. Ai thông tin sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Trung tá HUỲNH VĂN SƠN, nguyên đội phó Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Bình Thạnh

Chuyện thật như đùa

Một cán bộ thuộc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM cho biết cứ 2 tháng đơn vị ông lại tổ chức trồng mới cỏ trên vỉa hè đường Võ Văn Kiệt (đoạn thuộc quận 5, TP HCM) một lần.

6-BOX

Xe khách đậu đón, trả khách trên bãi cỏ đường Võ Văn Kiệt, quận 5, TP HCM Ảnh: LÊ PHONG

Nguyên nhân có hư hỏng là do hằng ngày, các hãng xe khách núp bóng xe hợp đồng đậu lên trên thảm cỏ để đón, trả khách. "Mỗi lần trồng lại tốn kinh phí hơn 10 triệu đồng... Nhiều lần bức xúc nhắc nhở tài xế thì họ phản ứng việc xử họ là CSGT, TTGT chứ không phải chúng tôi" - vị cán bộ bức xúc nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo