Ngày 2-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM thừa nhận trong tổng số 952 đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, chỉ có 70 đơn vị kinh doanh tuyến cố định (đăng ký điểm đi và điểm trả khách thông qua bến, bãi hợp pháp), số còn lại là xe kinh doanh hợp đồng, cho thuê xe và vận chuyển du lịch.
Mở cao điểm, tăng cường phạt nguội
Để hạn chế tối đa tình trạng xe dù, bến cóc hình thành từ hàng trăm doanh nghiệp vận tải hành khách không đăng ký điểm đi, điểm đến cố định, thời gian qua, ngành giao thông đã áp dụng các biện pháp cấm các phương tiện trên 16 chỗ ra vào ở những trục đường có các nhà xe hoạt động trá hình. Kế đến, Sở GTVT đã lắp nhiều biển báo cấm dừng, đỗ để hạn chế tình trạng dừng, đỗ đón trả khách không đúng quy định của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.
Xe khách liều lĩnh dừng đón khách ở làn dành cho xe 2 bánh trước cổng Trường Đại học Nông Lâm TP HCM . Ảnh: Ý LINH
Tuy nhiên phải nhìn nhận kết quả đem lại không như mong đợi. Bằng chứng là ở các trục đường cấm các phương tiện trên 16 chỗ ra vào như Nguyễn Thái Bình (quận 1), Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Thương (quận Bình Thạnh), Lê Hồng Phong (quận 5, quận 10),... vẫn bị các nhà xe lợi dụng việc không có lực lượng chức năng liền nhanh chóng tạt vào để đón khách.
"Về việc trên, hiện UBND TP HCM đã phân quyền cho quận huyện trực tiếp xử lý, tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa quyết liệt" - đại diện Sở GTVT nhấn mạnh. Ngoài ra, hiện tại có không ít tài xế liều lĩnh. Đó là, tài xế ngồi hẳn trên xe, khi thấy có bóng dáng lực lượng chức năng lập tức cho xe bỏ chạy. "Trong khi trách nhiệm thanh tra giao thông (TTGT) chỉ xử lý xe hoạt động sai so với giấy phép và phù hiệu cấp. Việc truy đuổi khi xe trên mặt đường không được phép" - vị này lý giải cho việc xe dù, bến cóc, xe trá hình hoành hành ở khu trung tâm.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP. từ phản ánh Báo Người Lao Động, TTGT đã tăng cường lực lượng ở những điểm nóng. Trong 4 ngày qua đã có gần 50 trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bị xử phạt. Đợt cao điểm xử lý này sẽ kéo dài đến hết tháng 4-2021 và tập trung ở những nơi được báo chí và dư luận phản ánh.
Ngoài ra, trong lúc chờ phần mềm thống kê tổng số chuyến/hành trình của các phương tiện (dự kiến quý II/2021 sẽ hoàn tất) đưa vào áp dụng để trị xe khách núp bóng xe hợp đồng trên cơ sở "một tháng, mỗi ôtô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp", thì giải pháp đưa ra làm ngay là lắp đặt camera ở các điểm nóng để tăng cường xử phạt thông qua hình ảnh.
Sở GTVT TP khẳng định phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các sở, ban ngành để thực hiện quyết liệt và thường xuyên. Bởi hiện nay, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt các hành vi vi phạm dừng, đỗ không đúng quy định được giao cho nhiều cơ quan, lực lượng thực hiện. Theo đó, đối với các khu vực, tuyến đường nóng thì TTGT sẽ tăng cường cao điểm, chốt chặn trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không đủ lực lượng để chốt chặn hết tất cả các khu vực. Do đó, khi không có mặt TTGT thì đề nghị chính quyền từ phường đến quận kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền. Việc này cần làm ngay và triệt để.
Kiến nghị bít lỗ hổng trong tháng này
Cũng liên quan đến tình trạng xe dù, bến cóc mà Báo Người Lao Động phản ánh trong suốt 4 ngày vừa qua, sáng 2-4, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, đã tổ chức họp báo thông tin với báo chí về thực trạng và hướng xử lý căn cơ trong thời gian tới.
Mở đầu buổi họp, ông Võ Khánh Hưng thừa nhận thực trạng báo chí phản ánh xe dù, bến cóc tồn tại nhiều năm gây bức xúc cho dư luận. "Đặc biệt, gần đây việc di dời các tuyến xe từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ) cũ ra BXMĐ mới khiến nhiều nhà xe có ý định lập điểm đón trả khách bên ngoài. Việc này sở sẽ giám sát" - Phó Giám đốc Sở GTVT TP khẳng định. Tuy nhiên, ông Võ Khánh Hưng phân tích thêm hiện nay, quy định thành lập doanh nghiệp kinh doanh bến bãi không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng xin giấy phép đăng ký kinh doanh từ cấp địa phương hoặc Sở Kế hoạch - Đầu tư mà không cần qua thẩm định của đơn vị chuyên môn là Sở GTVT (ví dụ khu vực đó xe ra vào có bảo đảm an toàn giao thông, trật tự giao thông, bảo đảm phòng cháy chữa cháy không…). Do đó, khi có giấy phép trong tay, doanh nghiệp dùng ngay địa chỉ đăng ký làm trụ sở tổ chức đón, rước khách như trường hợp bãi 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh.
Trước thực tế trên, theo ông Võ Khánh Hưng, về quy tắc, TTGT không có thẩm quyền vào bên trong bãi kiểm tra, chỉ vào bãi khi kết hợp với tổ liên ngành của địa phương nếu có. Khi xe chạy ra khỏi bãi, CSGT và TTGT sẽ phối hợp kiểm tra. Thế nhưng, lực lượng TTGT mỏng, dàn trải, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nên không thể chốt mãi ở một điểm. Chưa kể lập chốt chỉ là giải pháp tạm thời, muốn triệt tận gốc phải bịt lỗ hổng cấp phép. "Quan điểm của tôi là nếu doanh nghiệp hoạt động sai thì rút giấy phép kinh doanh, do đó phải sớm đưa loại hình này vào loại hình kinh doanh có điều kiện" - ông Võ Khánh Hưng nhấn mạnh. Ông Hưng cho biết trong tháng 4 này, Sở GTVT TP sẽ cùng các sở, ngành khác rà soát lại cơ sở pháp lý để bít những lỗ hổng về cấp phép kinh doanh; kiến nghị các bộ, ngành đưa loại hình kinh doanh bến bãi vào loại có điều kiện.
Ông Võ Khánh Hưng cũng khuyến khích hành khách vào bến xe mua vé để bảo đảm các quyền lợi và được cơ quan nhà nước giám sát. Theo ông, việc thu hút khách vào BXMĐ mới cũng là cách để giảm xe dù, bến cóc. Ông đề nghị chủ đầu tư là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) và đơn vị vận hành phải đề ra những giải pháp hữu hiệu, cạnh tranh với doanh nghiệp ngoài bến. "Riêng Sở GTVT TP sẽ nghiên cứu mở thêm nhiều tuyến xe buýt, nâng tổng số lên 10-12 tuyến (hiện nay có 4 tuyến) để hành khách tiếp cận BXMĐ mới" - ông Võ Khánh Hưng cho biết.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-3
Xe khách trá hình vẫn thách thức (!?)
Ở "thủ phủ" xe khách núp bóng xe hợp đồng trên đường Tản Đà, quận 5, TP HCM, hoạt động rầm rộ nhất phải kể đến nhà xe T.P.N.
Cảnh đón, trả khách, bốc xếp hàng hóa bát nháo của nhà xe T.P.N trên đường Tản Đà chiều 1-4 .Ảnh: Ý LINH
Bất chấp các lực lượng chức năng đang mở cao điểm xử lý từ thông tin phản ánh của báo chí, sáng 1-4, trong vai khách đặt vé chuyến TP HCM - Đồng Tháp, chúng tôi được nhân viên nhà xe hướng dẫn ra thẳng "bến xe" là văn phòng của hãng nằm trên đường Tản Đà. Vé xe giường nằm giá 110.000 đồng/vé. Xe ghế ngồi là 90.000 đồng/vé. Tuy nhiên, nhà xe không bán vé mà chỉ "hợp đồng miệng" với khách hàng. Chiều cùng ngày, có mặt tại "bến xe" này, chúng tôi ghi được cảnh hành khách xếp hàng dài chờ lên xe, trong khi nhân viên tất bật sắp xếp hành lý, chỗ ngồi. Một đoạn đường Tản Đà ngang nhiên bị 3 chiếc xe giường nằm của T.P.N chiếm dụng để đậu xe chờ tới giờ khởi hành. Theo bà Ng.H.P (người dân sống tại khu vực), cảnh bát nháo này đã diễn ra rất nhiều năm. Bức xúc khu vực thường xuyên xảy ra cảnh ách tắc, đi lại khó khăn, người dân đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng.
Gần đó, "bến xe" của nhà xe H.H cũng nhộn nhịp không kém. Nhà xe ngang nhiên đậu xe, khách xếp hàng dài, nhân viên mang ghế xuống lòng đường ngồi…, biến một đoạn đường Tản Đà thành "lãnh địa" của nhà xe.
Cùng nằm trên đường Tản Đà, ở điểm giao với đại lộ Võ Văn Kiệt, là chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư - Vận tải D.N. Liên tục cả ngày lẫn đêm, mặt tiền của văn phòng công ty này trở thành điểm đón, trả khách cố định. Ăn theo lượng khách tìm đến, hàng rong, quán nước cũng tập trung về khiến đoạn đường thêm nhếch nhác.
Tương tự, hoạt động rầm rộ của nhà xe T.T (chạy tuyến TP HCM - Trà Vinh) lâu nay luôn là nỗi bức xúc của người dân. Chiều 1-4, có mặt tại phòng vé nằm trên đường Trần Phú, phường 8, quận 5 của hãng xe này, chúng tôi ghi nhận những chuyến xe liên tục đón, trả khách. Xe khách, xe trung chuyển xếp hàng dài trên đường khiến người qua lại thót tim khi những chiếc xe này bất ngờ lăn bánh.
Bình luận (0)