xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điểm sáng từ các công trình trọng điểm (*): Thông dòng chảy của sự phát triển

NGUYỄN THẢO - QUỐC ANH - ANH VŨ - THU HỒNG

Để dòng chảy kinh tế - xã hội luôn thông suốt và mạnh mẽ, những dự án giao thông liên kết vùng đã và đang có sự chuyển mình thông qua tư duy, cách làm hiệu quả

Lãnh đạo UBND 4 địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) mới đây đã ngồi lại với nhau để bàn về các dự án thúc đẩy kết nối vùng. Tại buổi làm việc, các lãnh đạo thống nhất giao thông phát triển thông suốt sẽ tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển. Qua đó, khẳng định sự phối hợp chặt chẽ để triển khai các tuyến giao thông kết nối liên vùng và các tuyến giao thông của mỗi địa phương có tác động đến vùng.

Điểm sáng từ các công trình trọng điểm (*): Thông dòng chảy của sự phát triển - Ảnh 1.

Buổi làm việc liên quan các dự án thúc đẩy kết nối vùng, lãnh đạo 4 tỉnh, thành đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng Ảnh: NGUYỄN THẢO

Thống nhất nhận thức về tầm quan trọng

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết ngoài dự án cầu Nhơn Trạch thì Đồng Nai còn bổ sung 3 cây cầu kết nối với TP HCM. Cụ thể, cầu kết nối TP Thủ Đức với huyện Long Thành, cầu thay phà Cát Lái và cầu kết nối khu Nam TP HCM với huyện Nhơn Trạch. Đồng thời, tỉnh bổ sung 4 vị trí cầu kết nối với Bình Dương và cân nhắc bổ sung 7 vị trí kết nối với tỉnh BR-VT.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thông tin tỉnh đang phối hợp để thực hiện các dự án giao thông như đường vành đai 3, 4 - TP HCM; dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; tuyến đường sắt đô thị số 1 tỉnh Bình Dương nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của TP HCM… Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phương án đầu tư tuyến đường sắt Bàu Bàng (Bình Dương) đến cảng Cái Mép - Thị Vải (BR-VT).

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, bày tỏ tỉnh BR-VT ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động liên kết và hợp tác giữa các địa phương và cam kết thực hiện đúng những thỏa thuận hợp tác. Theo ông Khánh, liên kết và hợp tác giữa các địa phương giúp chia sẻ nguồn tài nguyên và cùng sử dụng chung cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biển, sân bay, đường cao tốc, các cơ sở cung cấp điện, đào tạo nguồn nhân lực, y tế... "Hợp tác tốt sẽ tạo điều kiện chia sẻ cơ hội, hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Về lâu dài, toàn bộ các địa phương sẽ được hưởng lợi từ những thành quả phát triển chung của vùng" - ông Khánh nói.

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, PGS-TS, kiến trúc sư, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Hoàng Vĩnh Hưng nói hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ hiện chưa thông suốt. Việc chưa thông suốt khiến hàng hóa các tỉnh đi đến cảng gặp khó khăn dẫn đến tăng trưởng kinh tế chững lại. Theo ông Hưng, vấn đề này trung ương đã nhận ra và có định hướng, việc của các địa phương bây giờ là phối hợp thực hiện các dự án giao thông ấy như thế nào cho nhanh và hiệu quả để bảo đảm tính kết nối giữa các công trình và tránh tình trạng vừa làm vừa sửa.

Hạ tầng đi trước, doanh nghiệp theo sau

Một trong nhiều dự án mang tính kết nối vùng quan trọng đó là cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai kết nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Công trình nằm trong dự án 1A đường Vành đai 3 - TP HCM này được khởi công vào tháng 9-2022.

Điểm sáng từ các công trình trọng điểm (*): Thông dòng chảy của sự phát triển - Ảnh 2.

Cầu Nhơn Trạch khi hoàn thành sẽ kết nối hiệu quả Đồng Nai và TP HCM qua sông Đồng Nai Ảnh: NGUYỄN THẢO

Ông Lê Bạch Long - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long - nhấn mạnh quan điểm "hạ tầng đi trước, doanh nghiệp theo sau". Ông nói cầu Nhơn Trạch không chỉ nối đôi bờ vui mà còn giải tỏa được nút thắt rất lớn về đi lại giữa Đồng Nai và TP HCM, giảm ùn tắc cho Quốc lộ 1A và Quốc lộ 51; thúc đẩy phát triển logistics, việc đi lại với sân bay Long Thành trong tương lai sẽ thuận tiện… qua đó giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai nhìn nhận hầu hết hàng hóa ở Đồng Nai muốn xuất đi đều phải qua cảng Cát Lái (TP HCM) và cũng chính TP HCM là trung tâm phân phối hàng hóa cho các địa phương, nếu kết nối giao thông tốt thì mọi thứ đương nhiên thông suốt.

Một dự án quan trọng khác, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đang được gấp rút triển khai. Những ngày cuối tháng 4, bên trong khu vực quây tôn khoảng 1 km dọc kênh Tham Lương thuộc khu vực phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM, phóng viên ghi nhận không khí lao động khẩn trương. Xuôi về chân chợ Cầu (phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP HCM), một tốp công nhân cùng máy móc cũng đang miệt mài làm việc. Những đoạn bờ kè đã thành hình trên dòng kênh này.

Điểm sáng từ các công trình trọng điểm (*): Thông dòng chảy của sự phát triển - Ảnh 3.

Công nhân hối hả làm việc tại công trình kênh Tham Lương Ảnh: ANH VŨ

Nhà bên bờ kênh Tham Lương, bà Nguyễn Thị Búp (67 tuổi, ngụ quận 12) cho hay nhiều năm nay chịu cảnh con kênh hôi thối, cỏ dại rậm rạp. "Từ ngày dự án khởi công, người dân rất vui mừng. Tôi mong dự án sớm hoàn thành để có con kênh xanh, sạch, đẹp… Người dân ai cũng trông chờ dòng kênh với sức sống mới, tàu ghe ngược xuôi đi các nơi giao thương" - bà Búp nói.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được khởi công vào tháng 2-2023 với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Công trình này kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn.

Tại TP HCM, dự án đi qua địa bàn 7 quận, huyện. Cùng với cải tạo tuyến kênh, dự án sẽ hình thành đường giao thông hai bên với tổng chiều dài 63 km, bề mặt đường rộng 7-12 m, vỉa hè rộng trên 3 m. Ngoài ra, xây dựng 12 bến thuyền và 3 cầu giao thông dọc tuyến; các nút giao thông cùng các công trình thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... Quý I/2023, dự án đã giải ngân 194,846 tỉ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Đến cuối tháng 4-2023 giải ngân 202,98 tỉ đồng. Ngoài ra, khối lượng ngoài hiện trường dự kiến khoảng 100 tỉ đồng, sẽ hoàn thiện hồ sơ giải ngân trong tháng 5-2023.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư), cho biết dự án hoàn thành không chỉ có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu vực 14.900 ha, chống ngập và giải quyết ô nhiễm môi trường quanh khu vực mà còn tăng cường kết nối giao thông đường bộ cho trục Bắc - Nam, khơi thông lại giao thông thủy kết nối các tỉnh miền Tây với vùng Đông Nam Bộ.

Tại buổi làm việc với 3 tỉnh, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị mỗi quý các địa phương làm việc với nhau một lần, chú trọng vấn đề phát triển đường sắt, chuyển đổi số, y tế vùng và quy hoạch ven sông. Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị thành lập quỹ phát triển giao thông vùng.

Kỳ vọng hội đồng vùng

Từ cuối năm 2022, trong hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu một số kiến nghị. Theo đó, thành phố tiếp tục đề xuất có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và các bộ ngành liên quan.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng cần xác định rõ thể chế "hội đồng vùng" với thẩm quyền và nguồn lực rõ ràng nhằm thực hiện hiệu quả công tác điều phối. Các nhiệm vụ cụ thể có tác động chung đến cả vùng cần được giao cho hội đồng vùng nhằm tránh chia cắt về địa bàn hay lĩnh vực.

Nói về hội đồng vùng, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng đây là một cơ chế phối hợp trên cơ sở phát triển chung của vùng. "Hội đồng vùng được nói đi nói lại nhưng cần cụ thể hơn. Lần này, UBND TP HCM sẵn sàng chủ động, phối hợp tích cực với các bộ, ngành trung ương, các địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối vùng. Hy vọng sớm hình thành được mô hình này" - TS Võ Kim Cương nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo