Ngày 15-9, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022. Đây là sự kiện do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì.
Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về việc khi sửa đổi Luật Đất đai, bỏ khung giá đất, làm thế nào để xác định giá đất sát với giá thị trường, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết hiện Chính phủ đã gửi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sang Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại cuộc họp báo
Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến việc Nghị quyết 18 của Trung ương đặt ra vấn đề bỏ khung giá đất và giá đất địa phương hình thành trên bảng giá đất yêu cầu khách quan quan độc lập, sát giá thị trường. Các cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề này để tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng xác định giá đất là vấn đề khó vì giá đất tác động tới nhiều đối tượng trong xã hội. "Nếu nâng bảng giá đất, khi thu hồi đất, người dân sẽ được hưởng quyền lợi cao hơn, khiếu nại sẽ giảm. Tuy nhiên, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để bồi thường nhiều hơn, sau này tiền thuê đất, tiền sử dụng đất sẽ tăng lên. Do đó, bài toán đưa ra bảng giá đất thế nào là vấn đề khó, cần nhìn nhận thấu đáo nhiều chiều" - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Trong trường hợp bỏ khung giá đất, ông Vũ Hồng Thanh cũng nêu vấn đề 2 địa phương giáp ranh thì sẽ xác định giá như thế nào, có thể xảy ra tình trạng bên cao, bên thấp. "Con đường đi qua 2 tỉnh nhưng có thể nơi có tiền đền bù 2 tỉ, còn nơi không có thì 1 tỉ trong khi cả hai là hàng xóm của nhau, do đó cần xử lý vấn đề này"- Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho hay.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, đây là vấn đề cần tiếp tục cùng các cơ quan có liên quan xử lý hài hoà, chứ không thể đưa ra giá đất làm thoả mãn mọi đối tượng.
Tại buổi họp, ông Vũ Hồng Thanh cũng giải đáp về việc có xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vào tháng 10-2022 hay không. Theo ông Thanh, việc giảm thuế sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào giá xăng dầu thế giới, sẽ bám sát giá xăng dầu thế giới để đánh giá tác động giảm hay điều chỉnh các chính sách thuế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh trong trường hợp giá dầu thô trên thế giới tăng cao thì chắc chắn Chính phủ sẽ cân nhắc phương án trình Quốc hội giảm 2 sắc thuế trên đối với xăng dầu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung như bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa - kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững… Sẽ có khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.
Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ có 2 phiên thảo luận chuyên đề. Một phiên có chủ đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội". Phiên thứ hai có chủ đề: "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững". Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao với chủ đề "Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".
Bình luận (0)