Nhằm hoàn thiện chính sách về đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 4-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI và Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đồng chủ trì hội nghị, với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu là chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN) và DN.
Thủ tục phức tạp, chi phí lớn
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Tấn Công cho rằng Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã thực hiện được "sứ mệnh" của mình, khi tạo ra khung khổ pháp lý hoàn thiện hơn trong lĩnh vực đất đai, nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, với sự thay đổi rất nhanh của cuộc sống, Luật Đất đai 2013 cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Qua phản ánh từ thực tiễn kinh doanh, ý kiến từ các DN, hiệp hội cho thấy thủ tục hành chính về đất đai và các thủ tục liên quan rất phức tạp, đang tạo ra chi phí lớn cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Cụ thể, theo kết quả khảo sát PCI hằng năm của VCCI với hơn 12.000 DN trong nước và FDI, thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai hiện vẫn là một trong những nhóm thủ tục mà DN gặp khó khăn nhiều nhất. "Sự phức tạp của các thủ tục hành chính về đất đai là một cản trở để DN tiếp cận đất đai, bên cạnh các nguyên nhân khác như quy hoạch đất đai của địa phương chưa phù hợp, giá đất tăng nhanh… 53,8% DN qua điều tra năm 2021 cho biết những khó khăn về thủ tục đất đai đã khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh" - Chủ tịch VCCI nói.
Sau 8 năm thực hiện, Luật Đất đai bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi để phù hợp thực tế Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bên cạnh đó, quy định, trình tự thủ tục của Luật Đất đai và các luật liên quan chưa thống nhất với nhau, tạo nhiều "điểm nghẽn" trong thực tế. Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật này tạo ra rủi ro pháp lý cho các cơ quan thực thi, làm đình trệ nhiều dự án và tăng chi phí cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Ngoài ra, ông Phạm Tấn Công cũng cho rằng nhiều vụ việc về đất đai vẫn tiềm ẩn các vấn đề về hiệu quả kinh tế, bất ổn xã hội, tác động lớn đến tình hình an ninh trật tự, như nhiều dự án đầu tư chậm triển khai khiến nhiều khu đất bị bỏ hoang, gây lãng phí; hoạt động giải phóng mặt bằng chậm, các tranh chấp và khiếu kiện về đất đai vẫn còn lớn; số vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đất đai còn nhiều.
Cần quy định rõ thế nào là giá thị trường
Góp ý vào điều 40, 41, 42 dự thảo luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng cần bổ sung quy hoạch sử dụng đất này phải dựa trên cơ sở quy hoạch kiến trúc xây dựng của vùng; trình tự, thủ tục quy hoạch phải được quy định rõ hơn trong luật.
Về thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch là UBND cấp tỉnh (điều 47), ông Hiệp cho rằng nếu phải trình HĐND cùng cấp thì sẽ gây khó khăn cho DN. "Chúng tôi đồng tình việc quy hoạch phải trình HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên, HĐND thường chỉ họp 2 lần/năm, nếu dự án triển khai nằm giữa 2 kỳ họp thì DN phải chờ nửa năm. Đối với một dự án, 5 tháng chờ đợi này là 5 tháng như "tra tấn" DN" - ông Hiệp chia sẻ. Ông đề xuất với kế hoạch sử dụng đất, thay vì do HĐND tỉnh quyết định thì nên giao cho Thường trực HĐND cấp tỉnh thông qua để rút ngắn thời gian cho các dự án.
Về bỏ khung giá đất theo Nghị quyết 18, ông Nguyễn Quốc Hiệp đánh giá là quy định rất tiến bộ và có hiệu quả cho công tác đầu tư. Tuy nhiên, theo dự thảo luật, có quy định "hệ số biến động theo giá thị trường". "Câu này hết sức khó hiểu. Như thế nào là hệ số biến động theo giá thị trường thì tỉnh phải họp để điều chỉnh?". Theo ông Hiệp, quy định này liên quan đến mặt bằng giá đất, giá thị trường bất động sản ngay lập tức. Vì vậy, ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc "nếu giá cứ biến động mà không quy định rõ biến động bao nhiêu phần trăm thì tỉnh họp để điều chỉnh. Một địa phương sẽ có nhiều lần điều chỉnh giá đất/năm và giá đất không thể ổn định".
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Cái gì thực tiễn đã chứng minh là đúng, thực tiễn đã đi trước, cuộc sống đòi hỏi thì lần này đặt ra để cùng nhau giải quyết, những vấn đề lịch sử để lại thì lần này phải giải quyết cho được.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, hiện nay các DN đang rất khó khăn, mệt mỏi về vấn đề đất đai. Do đó các góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể, tìm được giải pháp tốt nhất nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên. "Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng sửa bộ luật này để phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai. Tinh thần của Luật Đất đai (sửa đổi) là nếu không làm được tốt hơn cho người dân, không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho dân, không bảo đảm lợi ích cho nhà nước, không giải quyết được công bằng cho các đối tượng thì chưa nên ban hành luật. Luật phải ích nước, lợi nhà, bảo đảm tính ổn định, bền vững" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ.
Ngại, sợ "giá thị trường"
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết khái niệm "giá trị trường" trong dự thảo luật cũng khiến DN băn khoăn. Giá thị trường là một khái niệm rất trừu tượng, nếu không đưa ra cụ thể thì trong bối cảnh hiện nay, nhiều cán bộ "rất ngại, rất sợ", nếu không có khung thì không dám làm. Đề nghị có quy định rõ hoặc có hướng dẫn chi tiết để thực hiện.
Bình luận (0)