Ngày 25-12, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, giao Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan điều tra việc một số tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP bị chìm bất thường trong thời gian qua.
1 tháng, 7 tàu bị chìm
Theo Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (gọi tắt là PJICO Bình Định, thuộc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO), từ đầu năm đến nay, Bình Định có 9 tàu cá do đơn vị bán bảo hiểm bị chìm bất thường. Trong đó, riêng tháng 7, có tàu cá bị chìm, gây thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng.
Điển hình như tàu cá vỏ thép BĐ 99999 TS, do ông Lê Văn Thiểu (ngụ xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) làm chủ, bị chìm vào rạng sáng 30-7 khi đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Sau khi tàu chìm, chủ tàu làm hồ sơ đề nghị PJICO Bình Định bồi thường 9 tỉ đồng. Trong đó, thân tàu 7 tỉ đồng và bộ ngư lưới cụ 2 tỉ đồng.
Theo trình báo của chủ tàu, khoảng 19 giờ ngày 29-7, tàu vỏ thép BĐ 99999 TS do ngư dân Lê Văn Ron (ngụ xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, trên tàu có 6 ngư dân, đang hành nghề lưới rê ở vùng biển Trường Sa thì bị hỏng máy, phá nước ở trục láp. Thuyền trưởng tàu cá đã phát tín hiệu cứu nạn. Ngay sau đó, tàu cá BĐ 97480 TS của ngư dân Bình Định đang đánh bắt ở vùng biển gần đó đã chạy đến, triển khai các giải pháp ứng cứu, khắc phục sự cố. Tuy nhiên, trục láp tàu BĐ 99999 TS bị phá nước khá lớn, không thể khắc phục. Đến khoảng 2 giờ ngày 30-7, tàu chìm hẳn, 6 ngư dân trên tàu bị nạn được đưa lên tàu BĐ 97480 TS an toàn.
Trước đó không lâu, tàu cá vỏ gỗ BĐ 99456 TS của bà Nguyễn Thị Ai (ngụ xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) do PJICO Bình Định bán bảo hiểm cũng bị chìm khi hoạt động nghề lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa.
Theo trình báo của chủ tàu, tàu này bị phá nước và chìm vào khoảng 23 giờ ngày 6-7. Thời điểm gặp nạn trên tàu có 8 ngư dân, được các tàu cứu vớt. Sau khi bị chìm, chủ tàu làm hồ sơ đề nghị PJICO Bình Định bồi thường 7 tỉ đồng.
Nhiều tàu cá ở Bình Định nằm bờ vì không mua được bảo hiểm
Xử nghiêm nếu chủ tàu trục lợi
Ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc PJICO Bình Định, cho biết số lượng tàu cá Bình Định bị chìm trong năm qua tăng gấp đôi so với năm 2018 là hiện tượng bất thường. Đặc biệt, trong tháng 7 là thời điểm chưa đến mùa mưa bão mà đến 7 tàu cá bị chìm là có "vấn đề".
"Theo khai báo của các chủ tàu, nguyên nhân bị chìm tàu là do phá nước hoặc đâm vào vật thể lạ. Trong khi đó, toàn bộ số tàu chìm không tìm thấy xác nên khó thẩm định được nguyên nhân. Ngoài ra, trong nội dung khai báo diễn biến quá trình chìm tàu, giữa chủ tàu và các thuyền viên hoạt động trên tàu khai báo không nhất quán nên không biết đâu mà lần" - ông Nam nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, địa phương hiện có 61 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 (trong đó có 48 tàu vỏ thép, 8 tàu composite, 5 tàu vỏ gỗ) và một chủ tàu vay vốn nâng cấp tàu cá vỏ gỗ với tổng số dư nợ hơn 933 tỉ đồng. Từ năm 2015 đến nay, Bình Định phê duyệt 4.866 hồ sơ hỗ trợ chính sách bảo hiểm tàu cá, ngư lưới cụ, bảo hiểm thuyền viên cho tàu cá của ngư dân đóng theo Nghị định 67 với số tiền hơn 119 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ tháng 8-2019, PJICO Bình Định không còn bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân Bình Định khiến 29 tàu phải ngưng hoạt động. Đến ngày 1-1-2020, Bình Định sẽ có 37 tàu hết hạn bảo hiểm và đến tháng 7-2020 thì toàn bộ 57 tàu đóng theo Nghị định 67 đều hết hạn bảo hiểm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định phối hợp với Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO, các ngân hàng thương mại sớm họp bàn và triển khai bán bảo hiểm cho tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 cho ngư dân.
"Riêng các vụ tàu cá bị chìm bất thường, nếu cơ quan điều tra phát hiện có trường hợp ngư dân cố tình trục lợi chính sách buộc phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu công an vào cuộc điều tra, xử lý nhiều trường hợp ngư dân trục lợi tiền hỗ trợ dầu, nhiều người đã phải nhận án tù" - ông Châu khẳng định.
Không có chủ trương dừng bán bảo hiểm
Ông Phạm Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO, khẳng định tổng công ty không có chủ trương dừng bán bảo hiểm theo Nghị định 67/CP nhưng việc thẩm định hồ sơ sẽ hết sức chặt chẽ.
"Trong 4 năm thực hiện bảo hiểm tàu theo Nghị định 67/CP có tổng số 33 sự cố tổn thất thì riêng năm 2019 có tới 9 sự cố. Do vậy, PJICO chỉ đạo các công ty thành viên tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn bảo hiểm, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật. Quy trình cấp đơn bảo hiểm cần nhiều thời gian hơn trước đây" - ông Hải nhấn mạnh.
Bình luận (0)