Sáng 8-7, tại TP HCM, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Chiến thắng 30-4-1975 - Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh".
Chủ động, sáng tạo
Nhớ lại không khí rực lửa của những ngày cuối tháng 4-1975 lịch sử, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM - cho biết cả TP xuống đường, tràn ngập người, vang vọng tiếng nói, tiếng cười. "Không ai biết được có bao nhiêu cuộc lật đổ chính quyền từ phường, xã đến quận, huyện và chính quyền trung ương. Những phương thức, hình thức tiến công và nổi dậy khởi nghĩa thật vô cùng phong phú, đa dạng, sáng tạo muôn màu. Có nơi bắt đầu từ phát động nhân dân ngay trong xóm lao động, trong khu phố ra đến đường lớn như điểm khởi nghĩa Bàn Cờ - Vườn Chuối" - ông Phạm Chánh Trực nói.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang phát biểu tại hội thảo
Thiếu tướng Lê Xuân Thành - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng - cho hay bên cạnh giá trị lịch sử, Chiến dịch Hồ Chí Minh còn để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị to lớn về nghệ thuật quân sự. Đó là nghệ thuật tạo lập thế trận vững chắc, xác định phương pháp tác chiến tiến công linh hoạt, sáng tạo; từng bước thít chặt vòng vây và hình thành thế trận tiến công theo hướng linh hoạt và hiểm yếu, đánh thắng các mục tiêu chủ yếu. Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện nghệ thuật bao vây, chia cắt với tập trung lực lượng, đột phá, thọc sâu táo bạo, nhanh chóng và đồng loạt tiêu diệt mục tiêu chủ yếu; phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng đạt hiệu quả cao.
Theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, hơn 80 tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan… đều khẳng định chiến thắng 30-4-1975 là kết quả tất yếu của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam; mang tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại to lớn, để lại nhiều bài học có giá trị sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
"Có thể khẳng định Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả vĩ đại của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam được hun đúc theo chiều dài lịch sử và nâng lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh" - Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh. Theo ông, những bài học kinh nghiệm quý từ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử về chiến tranh nhân dân, phát huy thế trận lòng dân, huy động sức mạnh toàn dân tộc, bài học về tinh thần chủ động, sáng tạo… vẫn mãi là tài sản vô giá của dân tộc trong sự nghiệp cách mạng hiện nay. Những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy hiệu quả.
Sức mạnh lòng dân - động lực vượt qua thử thách
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cho biết cùng với thời gian, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và sức mạnh của chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang khẳng định: Phát huy thắng lợi của đại thắng mùa Xuân 1975, 45 năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân TP tiếp tục đồng lòng, năng động, sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới. Đến nay, TP HCM đã thay da đổi thịt, ngày càng sáng tỏ diện mạo của một đô thị lớn, "to đẹp hơn" như Bác Hồ từng mong ước. TP HCM đã trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM khẳng định TP sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh và bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước...
Khẳng định lần nữa đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của truyền thống yêu nước, của sức mạnh lòng dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông Trần Lưu Quang nói: "Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế, lòng yêu nước - sức mạnh lòng dân sẽ là động lực mạnh mẽ để Đảng ta vượt qua khó khăn, thử thách, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Truyền thống yêu nước nồng nàn
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang cho rằng chiến thắng 30-4-1975 bắt nguồn từ truyền thống hàng ngàn năm lịch sử đoàn kết đấu tranh của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.
Vì lẽ đó, để chuẩn bị cho chiến thắng 30-4-1975, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng vũ trang toàn TP đã có 2 trung đoàn và 4 tiểu đoàn tập trung; mỗi quận, huyện trung bình có từ 1 đến 2 đại đội; gần 3.500 dân quân du kích; hàng ngàn tự vệ, du kích mật. Tổng quân số lực lượng vũ trang của TP tham gia chiến dịch lên đến hơn 1 vạn người được bố trí trên nhiều hướng. TP đã xây dựng được 40 lõm chính trị với hơn 7.000 quần chúng đã giành quyền làm chủ ở các mức độ khác nhau, 400 tổ chức công khai, tổ chức quần chúng với gần 25.000 quần chúng. Suốt ngày 29 đến sáng ngày 30-4, toàn TP đã có 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành, 76 điểm ở nội thành) trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Bình luận (0)