Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Hội nghị Trung ương 7) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), lực lượng vũ trang và người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp (DN) - Nghị quyết 27.
Quan điểm của Nghị quyết 27 nêu rõ trong khu vực công, nhà nước trả lương cho CB-CC-VC và lực lượng vũ trang bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Còn khu vực DN, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ NLĐ yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động…
Mục tiêu của Nghị quyết 27 là từ năm 2018 đến 2020, khu vực công tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đối với khu vực DN, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Đối với khu vực công, từ năm 2021 áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với CB-CC-VC, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Năm 2021, tiền lương thấp nhất của CB-CC-VC bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực DN, đến năm 2025 sẽ cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực DN...
Đối với khu vực DN, từ năm 2021, nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với NLĐ và đại diện tập thể NLĐ; nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN…
Mở rộng cơ chế khoán kinh phí
Về giải pháp, Nghị quyết 27 nhấn mạnh thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý chính sách tiền lương của toàn hệ thống chính trị. Hằng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách chính sách tiền lương. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của CB-CC-VC có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị. Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ; nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương (ôtô, điện thoại...)...
Bình luận (0)