Trong các ngày 8, 9, và 10-4, theo ghi nhận của phóng viên, một số khu vực tại các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê…, những tuyến đường như: Chúc Động, Trần Văn Dư, Trần Đình Nam, Trương Định, Trần Cao Vân... xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nước máy thường chảy nhỏ giọt vào giờ cao điểm từ 17 đến 19 giờ, người dân không thể tắm giặt, nấu ăn.
Nhiều người dân phản ánh tình trạng thiếu nước trên các trang mạng xã hội tiếp nhận thông tin của TP Đà Nẵng. Một người sống tại kiệt 73 Trương Định (quận Sơn Trà) phản ánh nước rất yếu. "Hiện giờ đã 21 giờ 20 ngày 9-4 nhưng vẫn chưa có nước, mong ngành cấp nước xem xét" – người này cho hay.
Nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt tại Đà Nẵng có lúc nhiễm mặn đến 10.000mg/lít vào ngày 9-4
Ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), thừa nhận nước từ thượng nguồn không về được đến cửa thu nước tại trạm thu Cầu Đỏ và chỉ đến trạm An Trạch (thượng lưu trạm Cầu Đỏ) với mực thấp suốt 1 tuần qua.
"Việc lấy nước không hiệu quả dẫn đến nước sinh hoạt bị yếu ở một số khu vực cuối tuyến" - ông Hương nói. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Dawaco cho rằng nước chỉ yếu ở một số địa điểm cuối tuyến vì trạm An Trạch vẫn đảm bảo với công suất từ 280.000 – 290.000 m3/ngày đêm.
"Hôm nay (ngày 10-4), độ mặn khoảng 8.000 mg/lít. Hôm qua, đỉnh điểm nhiễm mặn lên đến 10.000 mg/lít, bằng 1/3 độ mặn của nước biển" - ông Hương cho biết.
Bịt kín cửa sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) để tăng cường nước chảy về hạ du sông Vu Gia, "tiếp nước" Đà Nẵng
Thông tin khả quan, Tổng giám đốc Dawaco cho biết bắt đầu từ sáng 10-4, lưu lượng nước về tại trạm An Trạch đạt mức khá nên công suất trạm bơm An Trạch đã được nâng lên.
"Một tuần qua, nước từ thượng nguồn chưa về đến Cầu Đỏ mà chỉ về đến An Trạch. Do đó, công ty đã vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch để cấp nước cho TP. Về trạm bơm An Trạch, trước Tết chúng tôi đã có cải tạo trạm nâng công suất lên thêm vài chục ngàn m3 nữa. Sáng nay khi nước về thì trạm bơm hoạt động tốt" - ông Hương nói.
Trong thời gian tới, Dawaco trình phương án xây đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ như đã từng thực hiện vào năm 2020 để lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng lưu. "Chờ chủ trương đồng ý thì công ty sẽ thi công ngay" - ông Hương khẳng định.
Dawaco đề xuất đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ như từng làm vào năm 2020
Ngày 6-4, Cục Quản lý Tài nguyên nước đề nghị các đơn vị quản lý vận hành các hành các hồ chứa: A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 (thượng nguồn sông Cầu Đỏ) đảm bảo tuân thủ vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia theo đúng quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để đảm bảo cấp nước an toàn cho Đà Nẵng.
Qua theo dõi, Cục Quản lý Tài nguyên nước nhận định độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ đang có diễn biến hết sức phức tạp. Cục đề nghị các hồ thủy điện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, độ mặn tại cửa lấy nước Nhà máy nước Cầu Đỏ và mực nước sông tại Trạm bơm An Trạch, vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia để đảm bảo việc cấp nước an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của Đà Nẵng.
Bình luận (0)