Những ngày gần đây, bản thông báo sa thải 2 công nhân (CN) kèm theo hình ảnh người bị kéo cắt cổ của Công ty TNHH L.S Việt Nam (TP Hải Phòng) đã gây bức xúc cho cộng đồng áo xanh. Đáng nói là 2 trường hợp bị nêu tên trong thông báo không hề bị sa thải mà tự nộp đơn xin nghỉ việc và đã được công ty chấp thuận. Sau khi tập thể CN phản ứng và tổ chức Công đoàn vào cuộc, giám đốc công ty đã có thư xin lỗi. "Từ nay về sau, tôi sẽ không làm những việc thô lỗ như thế này nữa. Tôi sẽ trở thành một người quản lý tốt, luôn bàn bạc với chủ tịch Công đoàn và lắng nghe ý kiến của người lao động (NLĐ)" - vị giám đốc công ty cam kết.
Hành xử phản cảm
Cách hành xử phản cảm, thiếu văn minh, biểu hiện qua việc tùy tiện sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của NLĐ để bêu xấu họ xảy ra ở không ít doanh nghiệp (DN). Điều này khiến quan hệ lao động bị tổn thương.
Cách đây không lâu, sau khi thỏa thuận ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không thành, giám đốc Công ty TNHH H.V.K (TP HCM) đã ra thông báo tạm ngừng việc đối với 6 nhân viên (NV). Thông báo được dán trước cổng công ty với nội dung: "Đề nghị bảo vệ kiểm tra kỹ, không cho phép các trường hợp này vào làm việc", kèm theo đó là họ tên, hình ảnh 6 NV. Chưa hết, công ty còn gửi danh sách, hình ảnh 6 NV đến các công ty đối tác kèm theo khuyến cáo: "Tất cả trường hợp trên không còn làm việc tại công ty. Đề nghị ban giám đốc các nhà máy ghi nhận thông tin trên và yêu cầu bảo vệ kiểm tra giấy tờ kỹ".
Một chương trình tư vấn pháp luật cho người lao động do LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM tổ chức
Trước hành vi quá đáng này, một trong những đối tác nhận được thông báo đã gửi email phản ứng rằng: "Quản lý người ra vào công ty là việc nội bộ của từng DN, không cần quý công ty nhắc nhở. Vui lòng dừng việc gửi email về vấn đề này".
Với NLĐ, hành vi cố ý của các DN không chỉ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm mà còn bít đường tìm việc của họ sau này. Bà N.M.L - từng là giám đốc nghiệp vụ quản lý quỹ bảo hiểm của một DN ở quận 7, TP HCM - cho hay sau khi nghỉ việc, bà rất khó tìm việc làm mới khi thông tin cá nhân bị công ty cũ tùy tiện đưa lên mạng. Trước đó, sau khi lấy lý do tái cơ cấu để chấm dứt HĐLĐ, công ty đã công bố số chứng minh nhân dân và quyết định chấm dứt HĐLĐ của bà L. lên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà chưa được sự đồng ý của bà. Sau đó, từ tố cáo của bà L., công ty đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng vì nhiều sai phạm, trong đó có hành vi công bố thông tin cá nhân của người khác.
Có thể xử lý hình sự
Liên quan đến vụ việc tại Công ty TNHH L.S Việt Nam, luật sư Lê Trọng Thêm, điều hành Công ty Luật TNHH LTT & các cộng sự, khẳng định đây là hành vi không phù hợp với quy định pháp luật về cả nội dung lẫn hình thức. Kể cả đối với trường hợp NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải thì pháp luật hiện hành không có điều khoản nào cho phép thực hiện những hành vi đó.
Theo quy định tại khoản 1 điều 127 Bộ Luật Lao động năm 2019 thì việc xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của NLĐ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi của Công ty TNHH L.S Việt Nam đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ bởi có thể khiến họ bị tước đi quyền được lao động. Trường hợp 2 CN ở Công ty TNHH L.S Việt Nam là tự xin nghỉ việc, không phải bị xử lý kỷ luật sa thải nên việc ra thông báo sa thải của công ty là không đúng.
Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Đối với các vụ việc có tính chất nghiêm trọng thì tùy theo mức độ, có thể bị xử lý hình sự theo điều 155 Bộ Luật Hình sự về tội làm nhục người khác. Khi bị xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, NLĐ có thể kiện ra tòa án dân sự để yêu cầu bồi thường theo quy định tại điều 592 Bộ Luật Dân sự.
Đề cập hành vi DN tùy tiện sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của NLĐ nhằm mục đích bêu xấu, gây khó khăn cho NLĐ trong việc tìm kiếm việc làm sau này, luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định đây là cách cư xử thiếu văn minh, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về mặt văn hóa và đạo đức, DN phải thể hiện sự biết ơn NLĐ bởi những đóng góp của họ trong thời gian trước đó. DN có hành vi không đúng mực, xúc phạm NLĐ là tự làm xấu đi hình ảnh trong mắt tập thể NLĐ và đối tác. Điều này cũng sẽ khiến DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, sản xuất trong tương lai, cũng như khó thu hút, giữ chân NLĐ.
Bình luận (0)