"Tôi tán thành việc sửa Luật Cạnh tranh và rất mừng khi chúng ta mới cho ý kiến ở kỳ họp này, đến tháng 6-2018 xem xét thông qua, tức là còn thời gian để hoàn thiện hơn nữa". Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) mở đầu bài phát biểu của mình trong phiên thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) diễn ra sáng 15-11.
FDI mang lại gì cho nội lực Việt Nam?
Vị ĐB đoàn TP HCM cho rằng cử tri, nhất là đại diện các doanh nghiệp (DN), phản ánh nhiều điều bất hợp lý, bất công và đề nghị QH, Chính phủ quan tâm giải quyết. Đó là tình trạng hàng hóa Việt Nam đang rất vất vả để giữ thị phần ở các thị trường nước ngoài, đồng thời phải đấu tranh gian khổ để tồn tại trong nước trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn, nhà cung ứng nước ngoài.
"Chúng ta hội nhập, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài để làm gì? Câu trả lời phải là để tăng cường nội lực Việt Nam, củng cố tăng cường chủ quyền Việt Nam, để chúng ta đuổi kịp thế giới bên ngoài; giữ vững, thậm chí mạnh hơn bên trong cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng" - ĐB Nghĩa đặt vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu góp ý về dự án Luật Cạnh tranh trong sáng 15-11 Ảnh: NGUYỄN NAM
Theo ông Nghĩa, để tăng cường nội lực chủ quyền quốc gia, trước hết là về kinh tế, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài. Đây không chỉ là mục đích của các nước chậm và đang phát triển khi tham gia các hiệp định thương mại tự do mà còn là của các nền kinh tế phát triển ở mỗi châu lục - dù là được che đậy dưới các cụm từ, các quan điểm nhưng đều nhằm mục đích bảo hộ.
"Chúng ta không kỳ thị với DN nước ngoài. Nhưng vấn đề là hàng trăm tỉ USD xuất khẩu, hàng trăm tỉ USD đầu tư FDI, hàng trăm tỉ USD đầu tư gián tiếp trong 20 năm qua đã đem lại gì cho nội lực Việt Nam?" - ĐB TP HCM băn khoăn.
Ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra chúng ta đã mất rất nhiều tài nguyên, lao động giá rẻ, ưu đãi về thuế, đất đai cho DN nước ngoài nhưng kết quả đem lại không tương xứng. Các cơ quan quản lý hầu như bất lực trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, mua bán, sáp nhập ở tầng trên và ở bên ngoài Việt Nam; trốn thuế bằng công nghệ cao hoặc điều chuyển vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn. Trong khi đó, nhiều DN trong nước bị hạch sách, nhũng nhiễu, nhiều trường hợp nếu không có phong bì thì không qua được các "cửa ải hành chính". "Nhiều doanh nhân Việt Nam rơi nước mắt vì bị mất "chủ quyền" ngay trên chính quê hương mình" - vị ĐB đoàn TP HCM nhấn mạnh.
Ngại luật hóa cá cược thể thao
Thảo luận về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao vào chiều cùng ngày, ý kiến các ĐBQH còn khác nhau đối với nội dung có nên luật hóa hoạt động kinh doanh cá cược thể thao hay không.
ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho rằng không nên đưa vấn đề đặt cược vào dự luật vì hoạt động này mới được đưa vào Nghị định 06/2017 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 31-3. Như vậy, thời gian thi hành mới được khoảng 8 tháng và chỉ ở 3 hoạt động gồm đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế.
"Cá cược là hoạt động kinh doanh nhạy cảm, phức tạp, thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó cần có đủ thời gian sơ kết hoặc tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 06 trước khi cho phép vào dự án luật" - ĐB Loan đề nghị.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lại cho rằng cần đưa ngay vào luật, nếu không sẽ giẫm chân tại chỗ cả chục năm nữa vì Luật Thể dục Thể thao có hiệu lực từ năm 2006, đến nay mới được sửa đổi. Cá cược thể thao phổ biến ở nhiều quốc gia và họ quản lý rất tốt, không gây rối loạn xã hội. Còn ở Việt Nam, tuy không cho phép nhưng hoạt động cá cược vẫn diễn ra, đặc biệt là cá cược bóng đá quốc tế.
Do đó, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị QH cần phải đào sâu suy nghĩ, xem xét nghiêm túc có đưa vào luật hay không, đừng nên thấy khó thì bỏ qua. Cần xem xét ở góc độ đây là một thú vui của người dân; chỉ xấu đi khi mang tính chất cờ bạc, ăn thua, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Theo ông, không ủng hộ cờ bạc nhưng hoạt động này rất cần được quản lý để không biến tướng, xấu đi.
Lo giới trẻ vọng ngoại
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng thật đau lòng khi con em chúng ta thuộc nhạc ngoại, mê phim ngoại, thần tượng ca sĩ, diễn viên ngoại, để tóc và ăn mặc theo mốt ngoại, ăn uống theo cung cách ngoại trong khi không biết cả những kiến thức cơ bản về văn hóa và lịch sử Việt Nam.
"Khởi đầu từ kinh tế, tiếp đến là văn hóa, y tế, giáo dục, chủ quyền của chúng ta bị xâm hại từng bước và ngày càng nghiêm trọng ngay trên chính nước mình" - ĐB Nghĩa lo ngại.
Bình luận (0)